Hiến kế cho du lịch Việt Nam phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững sáng 15/11, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch…, đưa ra nhằm gỡ khó để du lịch Việt Nam nhanh chóng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582.600 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.

Tại sao chúng ta không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế?

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Chính phủ hết sức quan tâm đến du lịch. Trong thời gian ngắn đã có 2 hội nghị mang tính toàn quốc về du lịch, cho thấy rõ ràng du lịch đang là vấn đề nóng, cần thiết rất được quan tâm.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã tập trung hỗ trợ nhiều cho du lịch, có những chính sách như mở cửa sớm, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 82 vừa ra, đã đưa ra kế hoạch hành động rất chi tiết, đầy đủ để khôi phục và phát triển nhanh du lịch. Quốc hội cũng thông qua Luật Xuất nhập cảnh mới tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho khách du lịch vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 thì những nỗ lực ấy, liên kết ấy hình như biến mất, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh lại xuất hiện. Các doanh nghiệp không triển khai khuyến mại kích cầu, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. 

"Tại sao chúng ta không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế", ông Bình đặt câu hỏi và cho rằng công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt đối với doanh nghiệp quốc tế.

Theo ông Vũ Thế Bình, các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch, nhưng không đạt được mục tiêu bởi du khách thường quan tâm đến những lễ hội vốn sinh ra từ phong tục tập quán, đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. 

Nhân lực du lịch vẫn là một nan đề khi mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động. Việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít. 

"Chúng ta phải đầu tư cho du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nông thôn", ông Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện một số chính sách đã ban hành như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đặc biệt là điều chỉnh giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch; kéo dài thời gian triển khai một số chính sách trong thời gian COVID-19 như mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, vấn đề phí thẩm định giấy phép lữ hành, vấn đề giấy phép…

Trong khó khăn, du lịch nội địa đóng vai trò quan trọng

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến, trong đánh giá toàn bộ cấu trúc của du lịch như một ngành tổng hợp mang tính hệ thống, tính quốc gia, tính quốc tế, vì vậy, việc giải quyết các vấn đề đã mang tính liên thông chưa.

"Tôi cho rằng, có nhiều vấn đề "thông" nhưng thông suốt là chưa đủ, vì thế có chỗ vẫn bị tắc. Nếu hệ thống chỉ bị tắc một chỗ nào đó, thì những cái "thông" khác trở nên ít giá trị, sẽ không đồng bộ. Và du lịch là điển hình của câu chuyện này. Nguyên tắc chung là chúng ta phải xem hệ thống cơ chế, chính sách, điều hành "thông" như thế nào", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời gian qua đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa, nhất là những lúc khó khăn. Tuy nhiên, du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống, làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. 

Về phía các địa phương và doanh nghiệp, vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. 

Đối với câu chuyện thị thực nhập cảnh, ông Trần Đình Thiên nhận xét, đã có sự cải thiện nhưng cần phải có tư duy cạnh tranh vượt lên chứ không chỉ ở mức bình thường.

"Do đó, nên định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội trỗi dậy. Tôi nghĩ rằng cơ hội hiện nay vẫn đang mở ra rất lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhất là làm hạ tầng, đầu tư công, tạo các điều kiện thuận lợi, mở cửa hội nhập. Cần làm sao mở ra tiếp để cho ngành du lịch chớp thời cơ", PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý.

Không nên đặt mục tiêu quá dễ dàng

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cho rằng, chúng ta nên tính toán định hướng ở mục tiêu cao cho năm 2024. Chúng ta tính toán không phải 12-15 triệu khách, năm 2024 chúng ta chớp thời cơ đón 18-20 triệu khách. Đặt mục tiêu cao chúng ta mới có giải pháp đột phá, có chính sách, có động lực để phát triển. 

Để đạt được mục tiêu cao, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch như Luật Du lịch, Luật Đất đai, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp du lịch...

"Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Còn bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group đề xuất, đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ; mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia...; mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…


Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Sun Group, bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl cho rằng cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh; xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia; ban hành chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều tin rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực của doanh nghiệp, người dân - du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ, lấy lại được vị thế và sức cạnh tranh bền vững trên bản đồ "điểm đến" của thế giới.

DA


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hien-ke-cho-du-lich-viet-nam-phat-trien-ben-vung-a84456.html