Khởi động 'quái vật' dưới lòng đất ở tuyến metro gần 35 nghìn tỷ: Dài 100m, nặng 850 tấn, hàng đầu thế giới

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sở hữu 2 robot đào hầm hàng đầu thế giới, sẽ thực hiện khoan từ ga S9 tới ga S12 với tổng chiều dài 4 km.

"Thần tốc" và "táo bạo"

Tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, có 2 chiếc robot đào hầm được mệnh danh là hiện đại hàng đầu thế giới và đã hoàn thành lắp đặt cách đây 2 năm. Những ngày này, chúng luôn được kiểm tra kỹ thuật định kỳ và trong trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Ga ngầm S9 Kim Mã (bên dưới khách sạn Daewoo, vị trí đang đặt 2 máy đào hầm hiện nay) là một trong các ga ngầm phức tạp nhất của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.

2 robot đào hầm trên do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn. Hai robot khi về Việt Nam được đặt tên "thần tốc" và "táo bạo" như mong muốn của những người làm công trình dành cho dự án trọng điểm này. 

Khởi động quái vật dưới lòng đất ở tuyến metro gần 35 nghìn tỷ: Dài 100m, nặng 850 tấn, hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Cận cảnh robot khoan ngầm. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

"Thần tốc" và "táo bạo" là những cỗ máy khổng lồ với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải. Chúng sử dụng máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance). 

Sở dĩ 2 robot này được coi là hàng đầu thế giới vì công nghệ EPB của chúng rất ổn định, áp dụng các kỹ thuật mới và được đổi mới về công nghệ để đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt.

Đặc biệt, phía sau khiên đào của 2 robot được bố trí một vách ngăn kín để đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở.

Khởi động quái vật dưới lòng đất ở tuyến metro gần 35 nghìn tỷ: Dài 100m, nặng 850 tấn, hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Máy đào hầm TBM thứ hai có tên gọi "Táo bạo". Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Robot TBM đào hầm đến đâu, vỏ hầm sẽ được lắp đặt cuốn chiếu tới đó. Trong quá trình khoan hầm, các cảm biến được lắp đặt trên mặt đất sẽ cảnh báo khi xảy ra các hiện tượng lún, nứt nền địa chất nơi đường hầm đi qua để đơn vị thi công có biện pháp xử lý.

Ở vị trí sâu 20 m dưới lòng đất nơi 2 robot nằm, hệ thống bơm thoát nước công suất lớn được lắp đặt để đảm bảo không xảy ra ngập úng. Trong điều kiện mưa bão, chúng vẫn được đảm bảo khô ráo, an toàn và sẵn sàng khoan từ ga S9 tới ga S12 với tổng chiều dài 4 km. 

Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm. Việc đào 4km hầm này dự kiến sẽ mất 2 năm.

Khởi động quái vật dưới lòng đất ở tuyến metro gần 35 nghìn tỷ: Dài 100m, nặng 850 tấn, hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Robot đào hầm bằng khiên đào với tên gọi đặc biệt. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Tiến độ đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị (MRB) tuyến Nhổn - ga Hà Nội mới đây đã trả lời PV Báo Tiền Phong và tiết lộ chuẩn bị khởi động robot để đào hầm metro.

Đề cập đến việc thi công các công trình ngầm (là phần khó nhất của tuyến metro Nhổn - gà Hà Nội), ông Lê Trung Hiếu cho biết, do công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian hơn dự kiến nên tiến độ triển khai bị chậm so với kế hoạch. 

Để bù khoảng thời gian đã mất do giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã huy động 100% nhân lực, máy móc thi công với 3 ca liên tục.

Khởi động quái vật dưới lòng đất ở tuyến metro gần 35 nghìn tỷ: Dài 100m, nặng 850 tấn, hàng đầu thế giới - Ảnh 4.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Theo ghi nhận, cuối tháng 10 vừa qua, khu vực thi công giếng đứng của ga ngầm S9 (Kim Mã) đã hoàn trả mặt đường sau 3 năm rào chắn (đoạn Kim Mã - Núi Trúc). Mặt đường được thảm lại, các phương tiện có thể lưu thông thuận tiện hơn trước. 

Tại ga S12 (Trần Hưng Đạo), sau 4 năm tồn tại, đoạn rào chắn thi công ga ngầm trên phố Trần Hưng Đạo từ trước ga Hà Nội tới cổng Bệnh viện Tim Hà Nội được tháo dỡ, hoàn trả mặt đường để người dân đi lại. Phần lòng đường đã được trải nhựa, vạch kẻ đường được sơn lại, hệ thống biển báo được dựng mới. Dự án hiện chỉ có phần cửa đi xuống hầm là nổi lên khỏi mặt đất.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 77,7%. Trong đó đoạn trên cao đã hoàn thành khoảng 99,5%, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2023, đầu 2024. Cùng với đó, đoạn ngầm đã hoàn thành 36,5%.

Theo phương án được phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng được thay đổi từ năm 2009-2027, thay vì 2009-2022 như trước đây.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ là giải pháp góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông, ô nhiễm đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực phía Tây Hà Nội. 

T.Hà

https://soha.vn/quai-vat-duoi-long-dat-o-tuyen-metro-gan-35-nghin-ty-dai-100m-nang-850kg-hang-dau-the-gioi-20231102144055666.htm

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khoi-dong-quai-vat-duoi-long-dat-o-tuyen-metro-gan-35-nghin-ty-dai-100m-nang-850-tan-hang-dau-the-gioi-a83769.html