Đây là cuốn sách thứ 3 của tác giả Ngô Phương Lan, nhưng là cuốn thứ 4 được xuất bản. Trước đó, bà đã thành công với 2 cuốn là "Đồng hành với màn ảnh" (năm 1998) - Giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình và "Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam" (năm 2005) - Giải Cánh diều vàng cho công trình lý luận, phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, cuốn sách thứ 2 của bà được chắt lọc, biên tập và được Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (The Network for the Promotion of Asian Cinema-NETPAC) cùng Galangpress xuất bản bằng tiếng Anh mang tên "Modernity and Nationality in Vietnamese Cinema", phát hành quốc tế năm 2007.
TS. Ngô Phương Lan cũng là đồng tác giả của một số cuốn sách về điện ảnh châu Á được xuất bản tiếng Anh, như: "Mass Media in Vietnam" (Truyền thông đại chúng ở Việt Nam, phát hành ở Australia năm 1998), "Vietnam in the 20th Century - Plastic and Visual Arts from 1925 to our time" (Việt Nam thế kỷ 20 – Nghệ thuật từ 1925 đến thời hiện đại, phát hành ở Bỉ năm 1998), "Being and Becoming - The Cinemas of Asia" (Hiện tại và tương lai của điện ảnh châu Á, phát hành ở Ấn Độ năm 2003), "Le Cinema Vietnamien" (Điện ảnh Việt Nam, phát hành ở Pháp năm 2007).
Trong tập tiểu luận phê bình điện ảnh "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" lần này, TS. Ngô Phương Lan đã chia cuốn sách làm 2 phần.
Phần một có thể xem là phần phê bình. Bên cạnh chương đầu khái quát về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn là những bài phê bình một số bộ phim chọn lọc, ít nhiều ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới, như "Tướng về hưu", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi", "Thị trấn yên tĩnh", "Thằng Bờm", "Gánh xiếc rong", "Chung cư", "Mê Thảo thời vang bóng", "Ai xuôi vạn lý", "Chiếc chìa khóa vàng", "Hãy tha thứ cho em", "Ngã ba Đồng Lộc", "Bến không chồng", "Vị đắng tình yêu", "Đời cát", "Thung lũng hoang vắng", "Trăng nơi đáy giếng", "Cỏ lau", "Những người thợ xẻ", "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Sống trong sợ hãi", "Chơi vơi", "Vào Nam ra Bắc", "Chuyện của Pao"…
Kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được tác giả phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng lại diễn đạt với ngôn ngữ giản dị mà mực thước, nên dễ dàng phù hợp với bất kỳ ai quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà.
Phần 2 cuốn sách là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo "sơ đồ" các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam và đặc biệt, bà luôn trăn trở với câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
Tác giả đã bộc bạch về tâm huyết với cuốn sách: "Quả là khi viết, mục đích của tôi là xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn 30 năm từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến đầu năm 2023 cho ra một bức phác thảo rõ nét. Thật may, đây cũng là hơn 30 năm tôi được làm nghề một cách miệt mài và say mê dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Cho nên tôi cứ tự nhủ rằng mình là người thực sự may mắn, vì cả cuộc đời được gắn bó với nghề mình yêu, kể từ khi được chọn chuyên ngành lý luận phê bình điện ảnh để học và hành".
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận xét: "Tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy ở Ngô Phương Lan một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh Việt Nam vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới".
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL) cũng chia sẻ thiện cảm của mình đối với cuốn sách: "Nhiều bài viết có thể coi là những công trình nghiên cứu giá trị được chắt lọc, có quy mô và tính chất khác nhau, được tác giả đúc kết trong hơn 3 thập kỷ lao động, gắn bó và cống hiến cho ngành điện ảnh nước nhà, thể hiện tình yêu chung thủy của tác giả với ngành điện ảnh, nơi đã gắn bó từ thời hoa niên đến tận bây giờ, dù ở bất cứ vị trí nào. TS. Ngô Phương Lan đã được ghi nhận từ các sản phẩm văn hóa-điện ảnh mà chị là người sáng lập như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Cuộc thi phim ngắn "Màn ảnh Xanh", Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, cùng nhiều sự kiện điện ảnh khác đã và sắp được tổ chức theo sáng kiến của chị với nỗ lực không mệt mỏi để cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển ngành điện ảnh Việt Nam".
Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty Sách Liên Việt, đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách cho biết: "Rất hiếm có cuốn sách nào về điện ảnh mà đầy đủ như vậy. Cuốn sách này thực sự có thể làm tài liệu khảo cứu cho các nhà nghiên cứu trong ngoài nước, hoặc sinh viên ngành điện ảnh tham khảo. Chính vì vậy tôi đã hết sức cố gắng in ấn thật thẩm mỹ và cẩn trọng. Cuốn sách được in 4 màu bằng giấy dày có thể là 'sách gối đầu giường' cho bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy này".
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ra-mat-sach-phac-thao-dien-anh-viet-nam-thoi-doi-moi-va-hoi-nhap-a83272.html