Tham dự buổi khảo sát, về phía Trung ương có: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Về phía TPHCM có: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải.
Phát biểu định hướng buổi khảo sát, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nội dung tổng kết tập trung vào các vấn đề như: Phát triển nhận thức của Đảng bộ Thành phố về sự phát triển văn hóa-xã hội và xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, tập trung vào 10 năm gần đây.
Trong đó, bao gồm sự phát triển về văn hóa, hoàn thiện về chủ trương, cơ chế, chính sách, giải quyết các vấn đề văn hóa-xã hội, xây dựng con người qua các thời kỳ đại hội và trong các nghị quyết liên quan của Thành phố.
Đồng thời, đánh giá về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá về lý luận cơ bản việc xây dựng, hoàn thiện và chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề văn hóa-xã hội và xây dựng con người.
Một vấn đề nữa được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu là tập trung đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ văn hóa-xã hội và xây dựng con người trên địa bàn Thành phố (bao gồm thực trạng cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa-xã hội và xây dựng con người miền Nam từ năm 1986 đến nay).
Thành tựu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa-xã hội và xây dựng con người; những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa-xã hội và con người, nguyên nhân của những thành tựu, những hạn chế và những vấn đề đặt ra, bài học kinh nghiệm trong phát triển văn hóa-xã hội và con người; dự báo bối cảnh mới liên quan đến Thành phố, dự báo phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề xuất những định hướng mang tính giải pháp.
Về nguyên tắc, yêu cầu của việc tổng kết, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải bảo đảm tính kế thừa và sự phát triển. Tổng kết phải toàn diện nhưng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khoa học, tính khách quan, đánh giá đúng sự thật.
Ngoài ra, phải phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bảo đảm dân chủ và lắng nghe ý kiến của nhân dân; khơi dậy và lan tỏa ý chí, khát vọng của Đảng, của nhân dân ta và của nhân dân TPHCM về xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứngTrình bày về thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn TPHCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc "Đổi mới", đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố, TPHCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội.
Tư duy lý luận về phát triển văn hóa Thành phố có bước phát triển khá rõ, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, trong nhân dân ngày càng nâng lên; phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo các tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy; phong tục tập quán của của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm phục vụ công tác bảo tồn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được tôn trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Hải cho hay vẫn còn một số hạn chế. Văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đầu tư cho văn hóa chưa thực sự tương xứng với kinh tế và chính trị; vai trò của văn hóa còn chiều hướng nặng về giải trí, thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn phản ảnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trên một số lĩnh vực văn hóa còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lao động nghệ thuật đặc thù như nghệ thuật hàn lâm, xiếc, múa,... chưa tương xứng, khó thu hút nhân tài.
Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa đồng bộ, dẫn đến phát triển văn hóa chưa đồng đều, chưa tạo động lực để phát huy văn hóa truyền thống.
Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém là do nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong một bộ phận các cấp ủy và cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa còn bộc lộ một số bất cập, lúng túng, phương thức lãnh đạo chậm đổi mới; coi trọng kinh tế hơn văn hóa.
Anh Thơ
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/danh-gia-thuc-trang-phat-trien-van-hoa-xa-hoi-va-xay-dung-con-nguoi-tphcm-a79665.html