Trung tuần tháng 9, du thuyền Indochine Premium-du thuyền cao cấp với thiết kế theo xu hướng Đông Dương, tôn vinh giá trị văn hóa Việt đã chính thức khai trương sau gần 3 năm thai nghén, hình thành và đi vào hoạt động. Đây là hoạt động nhân sự kiện Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Bà Lê Phương Nhi-Tổng Giám đốc, Chủ đầu tư Du thuyền Indochine Primeum chia sẻ, bà đã có 30 năm kinh doanh và vận hành an toàn du thuyền trên Vịnh Hạ Long cũng như một số du thuyền khác trên sông Mekong, được đi nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn là nơi có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên đẹp, hấp dẫn mà khó nơi nào có được; những nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Singapore không thể cạnh tranh về nguồn tài nguyên với Việt Nam để phát triển du lịch.
"Tuy nhiên, vì sao Việt Nam vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình và chưa thể hấp dẫn du khách như các nước là điều mà những người làm du lịch như tôi luôn trăn trở", bà Lê Phương Nhi nói.
Theo bà Lê Phương Nhi, có những cabin ở các tàu lớn trên thế giới chỉ khoảng 9 m2, nhưng với tiêu chuẩn của du thuyền của Việt Nam hiện nay cabin nhỏ nhất cũng là 16 m2. Du thuyền của Việt Nam đã bắt nhịp với xu hướng mới, vừa kết hợp được truyền thống vừa kết hợp hiện đại để phát huy được những giá trị văn hóa đồng thời cũng tối ưu hóa được những trải nghiệm của khách hàng. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những điểm đến của các nước trên thế giới.
Vẫn có tình trạng "trên mở, dưới thắt"
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền ở Việt Nam vẫn đang băn khoăn về tình trạng "ở trên thì mở, ở dưới thì thắt" đối với chính sách phục hồi và phát triển du lịch.
Đơn cử, trong việc thực hiện các thủ tục chạy tàu còn tốn nhiều thời gian, chưa được đơn giản hóa tối đa, khiến doanh nghiệp dễ lỡ cơ hội đón các đoàn khách lớn, có khả năng chi trả cao.
Cùng chung những trăn trở với bà Lê Phương Nhi, bà Thủy Nguyên-CEO Omega Group cho biết du khách đi 2 ngày 3 đêm muốn trải nghiệm cả Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ nhưng bắt buộc phải chuyển tàu, phải quay lại bờ.
"Khách đã chọn tàu đi vịnh Lan Hạ nhưng sẵn sàng chi trả thêm tiền để đi hang Sửng Sốt và đảo Titop ở vịnh Hạ Long nhưng hiện nay bắt buộc phải chuyển tàu", bà Thủy Nguyên nói.
Một điểm nữa khiến bà Lê Phương Nhi còn băn khoăn là môi trường vịnh Hạ Long, Cát Bà chưa sạch làm ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm của du khách; thiếu các cột thu phát sóng để du hách vừa có thể du lịch, vừa giải quyết được công việc khi cần.
Hay như đầu năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải chỉ đạo kiểm tra, tham mưu giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn về việc phục vụ khách du lịch tàu biển đến Nha Trang. Bởi theo phản ánh của một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, các tàu du lịch biển báo hủy chuyến đến vịnh Nha Trang. Lý do việc hủy chuyến là khi đến đây du khách lên bờ di chuyển trên xe trên 29 chỗ vào thành phố Nha Trang tham quan các điểm du lịch thì bị cấm vào giờ cao điểm, khiến các đơn vị lữ hành rất khó khăn trong việc tổ chức tour.
Bên cạnh đó, các vịnh, khu du lịch biển còn thiếu các cảng chuyên dụng cho tàu du lịch, nguồn nhân lực có kinh nghiệm cho dòng khách du lịch chi trả cao còn thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng… cùng những khó khăn đã nêu trên dẫn đến những hạn chế trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch tàu biển.
Diệp Anh
Bài 2: Cần tạo điều kiện để du lịch tàu biển phát triển
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bai-1-du-lich-tau-bien-doanh-nghiep-van-chua-het-kho-khan-a77654.html