Qua đền Cô Chín Suối Rồng, men theo con đường nhỏ khấp khểnh bên sườn núi Ngọc qua các tổ dân phố số 5, 6, 7 của phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, du khách có cảm giác lạc vào khu rừng nhiệt đới chứ không phải khu dân cư trong lòng đô thị.
Trong đó, ấn tượng nhất là quần thể cây thị đông đúc, từ những cây "khủng" cỡ 3-4 vòng tay người lớn ôm không xuể, cho đến những cây nhỏ mảnh khảnh như chiếc đòn gánh. Đâu đâu cũng thấy thị. Thị quây quần trong vườn nhà dân. Thị len lỏi vươn mình qua kẽ đá. Thị sừng sững chiếm quá nửa lối đi lại của người dân địa phương, du khách.
Trong hành trình tham quan, chiêm ngưỡng những cây thị đã mọc thành rừng, chúng tôi bắt gặp anh Phạm Văn Trọng (ở tổ dân phố số 6, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng) đang lúi húi nhặt những quả thị chín rơi vãi dưới gốc cây thị cổ thụ mang tên Thị Bài trước cổng nhà.
Câu chuyện với người dân miền biển vốn cởi mở, thân thiện thường sôi động, lại càng rộn ràng khi nói về loài cây thân thuộc, gắn bó với họ suốt bao thế hệ.
Anh Trọng cho biết, dù là người Đồ Sơn, nhưng các thế hệ người dân nơi đây ít đi biển mà chủ yếu mưu sinh nhờ cấy lúa, trồng khoai, chè… Ngoài ra, còn có khoản thu nhập không nhỏ nhờ bán quả chay, bứa, thị mọc trong vườn nhà. Do vậy, mọi người coi những cây này như người thân, chỉ có bảo vệ, trồng thêm chứ ít khi chặt bỏ.
Đến nay, người dân sinh sống trên sườn núi Ngọc vẫn lưu giữ truyền thống tốt đẹp này. Vì thế, dù đã trở thành đô thị và trải qua nhiều lần “sốt đất”, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều mảnh vườn với quần thể cây xanh rậm rạp, um tùm như rừng nhiệt đới, trong đó chủ yếu là chay, thị, bứa.
Với người dân tổ dân phố số 5, 6, 7 phường Ngọc Xuyên nói riêng, người dân quận Đồ Sơn nói chung, những cây thị nơi đây từng là ân nhân. Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, khi xảy ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhiều người sống sót nhờ những quả thị chín mọng, thơm lừng.
Vì được quan tâm, bảo vệ trong suốt nhiều thế hệ, quần thể thị tại phường Ngọc Xuyên thỏa sức sinh sôi, vươn tán, luồn lách bộ rễ vào sâu các khe đá tìm chất dinh dưỡng nuôi cây. Nhiều cây có tuổi đời 300 - 400 năm đến cả nghìn tuổi. Mỗi cây thị cổ thụ đều có tên riêng gắn với hình thể, vị trí, sự kiện, tên của chủ vườn, như Bà Vải, Khe, Cộc, Bảy Chồi, Cạnh, Giữa, Bài…
“Chúng tôi vẫn chăm sóc, bảo vệ rặng thị dù thời gian gần đây ít người hái đem ra chợ bán, đến mùa thị chín rơi rụng đầy gốc. Dịp Rằm tháng Bảy (giữa mùa thị) và Rằm tháng Tám (cuối mùa thị), nhà nào cũng chọn hái những quả thị chín to, đẹp, thơm nhất thắp hương trên ban thờ gia tiên. Thời gian qua, một số cây thị bị chết do thiên tai và già cỗi, ai cũng buồn”, anh Phạm Văn Trọng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lưu Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng thông tin, với nhiều giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử và tự nhiên, năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 17 cây thị cổ thụ ở tổ dân phố số 5, 6, 7 phường Ngọc Xuyên là quần thể cây di sản Việt Nam.
Sau khi được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam, địa phương đã dành nhiều sự quan tâm bảo vệ cũng như xây dựng tuyến du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, gồm: Đền Cô Chín Suối Rồng - Rặng thị di sản - Chùa, tháp Tường Long. Hiện mỗi năm, tuyến du lịch này thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, rặng thị di sản ở núi Ngọc được chính quyền, người dân địa phương coi là tài sản vô giá. Vì thế, thời gian qua địa phương quan tâm gìn giữ, bảo tồn để góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo vệ môi trường, thiên nhiên và thúc đẩy phát triển du lịch.
Thời gian tới, chính quyền quận Đồ Sơn chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của quận, UBND phường Ngọc Xuyên tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tuyến du lịch Đền Cô Chín Suối Rồng - Rặng thị di sản - Chùa, tháp Tường Long thu hút hơn nữa du khách.
Đồng thời, lưu ý những đơn vị lữ hành, du khách quan tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường, tôn trọng truyền thống, văn hóa địa phương cũng như bố trí nhân lực thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cành khô và vận động, tuyên truyền các gia đình có cây thị di sản trong vườn hợp tác trông coi, bảo vệ quần thể cây di sản.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hai-phong-bao-ve-rang-thi-di-san-nghin-nam-tuoi-o-do-son-a75479.html