Qua khỏi khu vực cống Họng, dọc theo tuyến đê biển 2 chưa đầy một cây số, là đến cánh rừng ngập mặn bạt ngàn ngoài tuyến đê biển 2 kéo dài hơn 4 km thuộc địa phận phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng.
Theo thông tin từ UBND phường Bàng La, trước kia khi chưa có rừng bảo vệ, mỗi khi xảy ra thiên tai, người dân địa phương lại nơm nớp lo sợ vỡ đê. Thực tế, nhiều lần khi bão đổ bộ, tuyến đê biển đối diện với nguy cơ vỡ do bị xói mòn nghiêm trọng. May mắn, những lần đó chính quyền địa phương và người dân kịp thời gia cố, bảo vệ, nên tai họa đã không xảy ra.
Trước thực trạng này, năm 1997, thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản hỗ trợ trồng rừng ngập mặn chắn sóng ngoài đê. Trải qua nhiều lần trồng mới, trồng dặm, đến nay cả khu vực hơn 375 ha rộng lớn ngoài đê trở thành cánh rừng ngập mặn bạt ngàn với hằng sa số cây sú, vẹt, bần cao lớn, tươi tốt.
Khi rừng đã lên xanh, tuyến đê biển được tiếp sức thêm vững vàng trước thiên tai, bão gió. Không chỉ là lá chắn cho tuyến đê biển, “lá phổi xanh” cung cấp không khí trong lành, cánh rừng ngập mặn rộng lớn ở phường Bàng La đã trở thành nơi mưu sinh cho hàng trăm người dân địa phương và các khu vực lân cận.
“Cánh rừng ngập mặn trở thành nguồn sống cho rất nhiều người dân chúng tôi. Mỗi khi triều xuống, có hàng trăm người tranh thủ vào rừng bắt còng, cáy, cua giống… với mức thu nhập trung bình 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày”, anh Hướng - ngư dân ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng chia sẻ.
Để bảo vệ cánh rừng ngập mặn ngoài đê, trước đây, chính quyền phường Bàng La thành lập Tổ bảo vệ rừng với hơn 10 thành viên. Tổ bảo vệ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát rừng cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vào rừng chặt cây lấy củi làm chất đốt.
Thực hiện chỉ đạo của Tp.Hải Phòng cũng như để tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng phục vụ phát triển du lịch, ngày 2/12/2022, UBND quận Đồ Sơn ban hành Kế hoạch số 273 về giao rừng trên địa bàn. Theo đó, chính quyền quận Đồ Sơn dự kiến giao rừng trồng là rừng phòng hộ ven biển, ven sông do phường Bàng La đang quản lý cho cộng đồng dân cư.
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Đồ Sơn, chính quyền phường Bàng La đã tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích các loại cây trồng tại rừng ngập mặn tại địa phương. Đồng thời, tổ chức họp bàn với Tổ bảo vệ rừng và các tổ dân phố trên địa bàn về phương án giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý.
Ngày 12/12/2022, UBND phường Bàng La có văn bản báo cáo quận Đồ Sơn về việc địa phương thống nhất giao 375,15 ha rừng ngập mặn ngoài tuyến đê biển 2, chủ yếu gồm bốn loại cây trồng: bần, vẹt, sú, trang cho Tổ dân phố Đại Thắng quản lý, bảo vệ.
Trên cơ sở này, UBND quận Đồ Sơn chỉ đạo Phòng Kinh tế quận phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ giao rừng và tham mưu UBND quận tổ chức giao rừng theo đúng chỉ đạo của Tp.Hải Phòng và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, xin ý kiến của các sở, ngành Tp.Hải Phòng hoàn thiện phương án quản lý, phát triển rừng bền vững.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thành Kiên - Chủ tịch UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng chia sẻ, chủ trương giao rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư quản lý và bảo vệ là hợp lý. Bởi từ nhiều năm nay, trên địa bàn chưa xảy ra bất cứ vụ phá rừng ngập mặn nào. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân được nâng cao và đa phần số hộ dân nấu ăn bằng bếp gas, bếp điện nên không có nhu cầu lấy củi làm chất đốt.
Sau khi quận Đồ Sơn tổ chức giao rừng cho Tổ dân phố Đại Thắng, UBND phường Bàng La sẽ tích cực hỗ trợ cũng như tăng cường giám sát quá trình quản lý, bảo vệ của cộng đồng dân cư để cánh rừng ngập mặn quan trọng của địa phương luôn xanh tốt.
Theo thông tin từ UBND quận Đồ Sơn, dự kiến trong tháng 9/2023, địa phương sẽ hoàn thành việc giao rừng cho cộng đồng dân cư địa phương quản lý, bảo vệ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của quận hoàn thiện đề án du lịch sinh thái khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ngập mặn ở phường Bàng La trình UBND Tp.Hải Phòng phê duyệt.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hai-phong-ban-giao-cho-cong-dong-dan-cu-quan-ly-400-ha-rung-ngap-man-a73665.html