Mai Đức Anh, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp tại Truman State University, Missouri, Mỹ đã bày tỏ quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề quyền riêng tư trong giáo dục. Chia sẻ này của Mai Đức Anh sẽ khiến nhiều phụ huynh phải giật mình.
Mai Đức Anh vừa tốt nghiệp tại Truman State University, Missouri, Mỹ
'Chuyện bắt đầu khi khó khăn lắm Đa mới sắp xếp được buổi cà phê tâm sự với nhân vật nổi tiếng có một không hai trong xã hội. Anh giỏi giang đến hoàn hảo, đẹp trai với những lời hay ý đẹp khắp mọi nơi. Từng học ở Mỹ nên anh rất ưu ái du học sinh, cũng chỉ chịu gặp Đa vì thế.
Ờ thì cũng phải, mấy người giỏi giang hoàn hảo có ai không đi Tây về. Quên chưa giới thiệu, nhân vật này là 'Con nhà người ta'.
Khác với sự điềm tĩnh bên ngoài, vừa gặp nhau, anh đã tu một mạch hết luôn cốc nước, còn vớ ngay cốc của Đa. Giọng anh buồn thiu thiu, không có vẻ gì sung sướng. Hoàn hảo và nổi tiếng nên anh hay bị chú ý.
Từ thằng bé nhà bên bị điểm kém, cô gái vừa lên Hà Nội chưa xin được việc hay chàng trai bị người yêu so sánh với thần tượng bên Hàn, đâu đâu người ta cũng nhắc đến anh, muốn được như anh.
Cũng từng hãnh diện lắm, nhưng càng về sau mọi thứ càng phiền phức. Anh luôn thấy sự riêng tư bị xâm phạm. Anh nhớ lại hồi còn ở Mỹ, thân ai người nấy lo đỡ áp lực bao nhiêu. Trông anh thật tội nghiệp.
Nói đến quyền riêng tư, đó là khác biệt văn hóa cơ bản giữa chúng ta và vài nước bạn. Chúng ta, đặc trưng bởi lối sống cộng đồng, luôn quan tâm đến nhau nên một người làm gì thì người khác đều biết.
Nhớ thời phổ thông, sau mỗi đợt thi học kỳ, từng điểm số lung linh lại được trang hoàng đẹp đẽ các bảng tin. Không chỉ học sinh và bố mẹ các em, ngay bạn bè, phụ huynh của bạn bè, thậm chí bác hàng xóm 'tốt bụng' cũng có điều kiện 'quan tâm' đến đời sống học tập.
Mỗi kỳ trôi qua, họp phụ huynh đến, ai cũng háo hức đón chờ tờ danh sách với đầy đủ điểm phẩy các môn cùng thứ hạng kèm bên.
Vẫn sự 'quan tâm' ấy, phụ huynh không quên dành thời gian cho 'con nhà người khác', rồi tiện thể so sánh, một chút, với con mình. Từng cái chút, mỗi ngày trôi qua, học sinh lại thấy mình thêm phần kém cỏi.
Đá sang nước bạn, vì lối sống cá nhân ích kỷ, có những thứ riêng tư không ai được động vào. Trong giáo dục, đấy là điểm số bài về nhà, bài kiểm tra, bảng điểm, hay tất cả những gì thể hiện học lực cá nhân.
Thông thường, giáo sư sẽ trả bài tận tay từng học sinh và không ai khác ngoài người dạy trực tiếp biết được kết quả học tập. Việc chia sẻ thành tích là hoàn toàn tự nguyện nếu học sinh thoải mái. Nước bạn nghĩ rằng sự quan tâm của bác hàng xóm đến việc học của con em mình là không cần thiết.
Nhìn từ góc độ tích cực, việc 'quan tâm' sát sao đến kết quả học tập từ những người chẳng mấy liên quan là động lực tốt cho học sinh hoàn thiện hơn.
Nhưng có lẽ, việc lạm dụng hình thức 'đánh giá học lực công khai' gây những tác động tiêu cực, tự ti cho bản thân hay không có thời gian phát huy thế mạnh còn trầm trọng hơn nhiều.
Một nhà khoa học tương lai đâu nhất thiết phải sở hữu kĩ năng phân tích tác phẩm siêu hạng? Vậy mà nhiều học sinh tài năng phải hy sinh thời gian dành cho đam mê vì chẳng thể thua kém bạn.
Còn những bạn thiên hướng xã hội, có nhất thiết phải khá giỏi tự nhiên? Có đấy, khi xung quanh ai cũng giỏi, sao em có thể trung bình? Từng lớp, từng lớp đánh giá chồng lên nhau vì những điều minh bạch hết sức này, ai cũng cố giỏi đều, giỏi mọi thứ, giỏi trong ép buộc.
Có cô bé nghệ sĩ triển vọng nào lại phải giữ vững học lực trên lớp chỉ vì bạn bè em đều như thế? Đam mê của em phải đánh đổi bằng bữa ăn giấc ngủ vì áp lực trường lớp.
Mai Đức Anh đưa ra nhiều quan điểm sâu sắc về giáo dục
Xã hội hay lớn tiếng rằng thế hệ trẻ hãy sống theo đam mê, nhưng ngay từ ghế nhà trường, họ đâu có tạo thời gian và điều kiện để học sinh thỏa sức tự khám phá? Chúng ta buồn vì định hướng cá nhân chưa tốt, nhưng ai cho học sinh quyền tự định hướng?
Ngay đến thi trung học phổ thông quốc gia, rồi thi đại học ngày trước cũng có nhiều khối môn khác nhau, vậy sao các em luôn phải giàn trải hết sức lực để giỏi tất cả, khi sự hoàn thiện ấy không phải do tự nguyện mà vì sợ bị so sánh? Học sinh chúng ta giỏi đều, hoàn thiện đến từng môn học nhưng chẳng thể hoàn thiện bản thân mình.
Trong khi cả xã hội hướng đến giáo dục với những thay đổi to lớn vĩ mô, có ai nghĩ còn nhiều điều nhỏ bé nhưng hứa hẹn biến chuyển không hề nhỏ có thể làm ngay? Hãy đảm bảo sự riêng tư trong giáo dục.
Có khó không khi thay vì in một bản kết quả học tập rồi photo 50 lần trước kì họp phụ huynh, chúng ta in riêng kết quả cá nhân cho từng học sinh?
Có khó không khi ngoài bản thân học sinh và gia đình, chỉ riêng giáo viên môn biết điểm số để kịp thời đôn đốc?
Khi không còn so sánh, áp lực học đường liệu còn thế này không?
Mai Đức Anh chụp cùng cô hiệu trưởng
Ở lứa tuổi đáng ra việc phát triển những kĩ năng hoàn thiện bản thân như khả năng làm việc nhóm và hòa đồng nên được ưu tiên hàng đầu, xã hội lại dạy từng học sinh hãy ganh đua hết sức, thậm chí là phát triển lòng đố kỵ, đừng để thua kém bạn bè.
Biết bao tiêu cực từ học đường, phải chăng đều xuất phát tự sự đố ky? Các bậc phụ huynh muốn con em đến lớp vì giá trị môn học, cho khỏi thua kém bạn bè, hay cho niềm tự hào của bố của mẹ?
Liệu có ai muốn thế hệ tương lai của mình, trở nên bị cô lập ngay trên ghế nhà trường chỉ vì mải ganh đua với bạn trong lớp?
Vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ này lại có thể chính là nguyên nhân sâu xa cho những chặng đường của mỗi cá nhân về sau.
Chừng nào 'Con nhà người ta' còn ở đây, không chỉ riêng anh, tất cả mọi người đều còn không thoải mái.
Hơn ai hết, những em học sinh chính là người cần được che chở và đảm bảo quyền riêng tư trong giáo dục của mình nhất'.
Theo Vtc.vn
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/quan-diem-khien-nhieu-nguoi-giat-minh-cua-anh-chang-du-hoc-sinh-a655.html