Chính quyền Tống thống Mỹ Biden đang xem xét các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc do lo ngại gia tăng về sức mạnh của công nghệ của các đối thủ, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ ngừng vận chuyển chip do Nvidia và các nhà sản xuất chip khác sản xuất cho khách hàng ở Trung Quốc và các quốc gia có liên quan khác mà không cần xin giấy phép trước bắt đầu từ tháng 7, theo Wall Street Journal.
Tháng 9/2022, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Nvidia ngừng xuất khẩu 2 loại chip điện toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu sang Trung Quốc.
Vài tháng sau, công ty cho biết họ sẽ cung cấp một con chip tiên tiến mới có tên A800 tại Trung Quốc để đáp ứng các quy tắc kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, các hạn chế mới đang được Bộ Thương mại Mỹ cân nhắc sẽ cấm bán cả chip A800 nếu không có giấy phép xuất khẩu đặc biệt của Mỹ.
Chiến trường mới
Động thái mới nhất của Mỹ được cho là một phần của các quy tắc cuối cùng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được Mỹ công bố vào tháng 10/2022 nhằm hạn chế hơn nữa khả năng xây dựng năng lực AI của Trung Quốc.
Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Washington đã nỗ lực hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ mà họ cho là quan trọng.
Cuộc chiến này leo thang vào tháng 10/2022, khi Bộ Thương mại Mỹ thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với chất bán dẫn tiên tiến và máy móc sản xuất chip. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nhưng chưa ban hành các quy định chính thức để hệ thống hóa các quy tắc này.
Chính quyền Mỹ đã thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và đàm phán với chính phủ của các quốc gia đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản (những quốc gia có các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới) để đưa ra các quy tắc cuối cùng và thống nhất danh sách các mặt hàng được kiểm soát.
Trong khi đó, Mỹ cũng tìm cách thúc đẩy công nghệ của riêng mình, bao gồm cả chất bán dẫn, với khoản tài trợ như 52 tỷ USD thông qua Đạo luật Khoa học và Chip. Tuy nhiên, sự chú ý của Washington hiện có khả năng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI).
Theo ông Paul Triolo, lãnh đạo chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge cho biết, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (công nghệ chủ chốt của chatbot ChatGPT) có thể là chiến trường mới trong cuộc chiến giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù hai quốc gia đang tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp hơn sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nhà phân tích cho biết căng thẳng công nghệ sẽ tiếp tục.
Điều này diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden xác định những công nghệ có thể mang lại lợi ích cho cả quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và thúc đẩy khả năng của các công ty Trung Quốc trong việc tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh, ông Paul Triolo cho biết.
Khoảng cách quá lớn
Một phần trong các hạn chế hiện tại của Mỹ nhằm mục đích cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip chính của Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, nhằm cản trở sự phát triển AI của Trung Quốc.
Washington cũng đang tiến hành đánh giá đầu tư ra nước ngoài, điều này sẽ đưa ra các quy tắc đối với đầu tư của Mỹ vào các công ty nước ngoài.
“Sắc lệnh xem xét đầu tư ra nước ngoài sắp tới sẽ bao gồm các hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào một số công nghệ liên quan đến AI. Đây sẽ là dấu hiệu chính cho thấy hướng kiểm soát công nghệ của Mỹ trong 2 năm cuối cùng của chính quyền ông Biden”, theo ông Triolo.
“Bắc Kinh xem việc kiểm soát xuất khẩu và Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ như một cú đấm có một không hai được thiết kế để tách ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc khỏi hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu”, ông Triolo nhận định.
Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt của mình, và nói rằng các biện pháp hạn chế đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc là hành vi “bắt nạt”.
Washington khẳng định các động thái của mình là vì lợi ích an ninh quốc gia và đang nhắm mục tiêu vào các công nghệ nhạy cảm cụ thể.
Trung Quốc không có nhiều biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, hồi tháng 5 các nhà quản lý Trung Quốc đã cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng mua chip từ công ty Micron của Mỹ với lý do các sản phẩm của công ty này không vượt qua được đánh giá an ninh mạng.
Công nghệ không được nhắc đến nhiều trước công chúng sau cuộc gặp gần đây giữa ông Blinken và Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng chắc chắn 2 bên đã thảo luận về nó. Ông Blinken đã nói về các lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc như khủng hoảng khí hậu và kinh tế, nhưng công nghệ tiên tiến là một lĩnh vực mà 2 quốc gia vẫn đang cạnh tranh.
“Chúng tôi không có lợi khi cung cấp công nghệ cho Trung Quốc vì họ có thể sử dụng công nghệ đó để chống lại chúng tôi”, ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Trong các lĩnh vực trước đây như 5G hay TikTok, cả hai bên vẫn tin rằng những khác biệt có thể được hàn gắn. Giờ đây, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng quá lớn, nhưng không siêu cường nào muốn thu hẹp sự khác biệt.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Reuters, WSJ)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nac-thang-moi-trong-cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-a62387.html