Sáng 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn đầu tiên là Ngữ văn. Đây cũng là môn thi duy nhất được diễn ra dưới hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút.
Đúng 9h35, tiếng trống đánh dấu các thí sinh kết thúc bài thi môn Ngữ văn. Sự xuất hiện của tác phẩm “Vợ nhặt” ở phần nghị luận văn học được đánh giá là gây bất ngờ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, em Cao Xuân An - Học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết rằng mình đã ôn tập kỹ và không gặp phải khó khăn với đề văn năm nay. “Em cảm thấy không bất ngờ với đề thi “Vợ nhặt” vì năm nay cô giáo của em đã cho ôn kỹ các tác phẩm là “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Người lái đò sông đà”, “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ”. Nhờ đã học kỹ tác phẩm “Vợ nhặt” nên em làm được 7-8 trang giấy, em thấy đề thi năm nay không khó đối với em”, Xuân An chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng hào hứng vì làm tốt bài thi, thí sinh Ngô Hải Anh – Học sinh trường THPT Lương thế Vinh cũng khẳng định rằng không gặp phải khó khăn gì khi làm bài thi môn ngữ văn năm nay “Em nghĩ đề văn năm nay sẽ vừa sức với những người không ôn tủ, em đã có ôn tập trước tác phẩm “Vợ nhặt” nên làm bài khá là ổn, em nghĩ thời gian sẽ trả lời nhưng tự đánh giá có thể đạt từ 7 đến 8 điểm”.
Với nguyện vọng vào trường báo chí hoặc thương mại, Đinh Thùy Anh - Học sinh trường THPT Cầu giấy bày tỏ: “Mặc dù hơi bất ngờ vì nghĩ rằng đề năm nay sẽ là tác phẩm khác nhưng em thấy đề vừa sức với em và các bạn. Trong quá trình ôn tập thầy cô cũng đã cho ôn tập và tổng hợp lại kiến thức nên em đánh giá là mình có thể hoàn thành được từ 70-80% bài thi”.
Trái với các bạn khác, Nguyễn Lê Quang Anh – Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh lại thành thật rằng mình chỉ mong bài thi trên điểm trung bình, cụ thể: “Em học chuyên Lý, Hóa, Sinh nên chỉ viết sang được mặt cuối tờ thứ nhất trong bài thi. Vì em nghe theo các bạn khác nên chỉ chủ yếu ôn hai tác phẩm là “Người lái đò sông Đà” và “Đất nước”. Em nghĩ là mình đã làm tốt phần đọc hiểu nhưng về phần phân tích thì không còn việc được bao nhiêu điểm thì phải tùy thuộc vào người chấm thi”.
Đánh giá về đề thi, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT, luyện thi môn Ngữ văn tại Tuyensinh247.com cho biết: “Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 2023 năm nay vẫn bám sát cấu trúc ra đề như đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã ra trước đó. Về tính chất, đề thi không quá đánh đố, nhưng vẫn có yếu tố bất ngờ với câu nghị luận văn học”
Thầy giáo cho biết câu đọc hiểu và nghị luận xã hội, đều là những câu hỏi rất quen thuộc. Câu 1 và 2 đọc hiểu là câu gỡ điểm, và rất khó để sai.
Câu 3 và 4, câu hỏi không hề khó, thậm chí rất quen thuộc, học sinh dễ dàng giành được điểm tối đa nếu nắm vững được cách viết tác dụng biện pháp nghệ thuật và rút ra được bài học một cách sâu sắc.
Câu nghị luận xã hội, sự cần thiết tức là tính ý nghĩa giá trị của việc biết cân bằng cảm xúc. Nhưng học sinh sẽ có nhiều bạn lan man, nhầm sang giải pháp. Các em cần kết hợp giữa lập luận và dẫn chứng, nên có phản biện để có thể giành được điểm cao.
Theo thầy Linh sự bất ngờ với nhiều thí sinh chính là đoạn trích trong “Vợ nhặt”. Đây là đoạn cuối của tác phẩm với chi tiết mở: lá cờ đỏ bay phấp phới. Đây là đoạn nhiều học sinh sẽ chủ quan và ít tập trung, bởi trong tác phẩm, những đoạn về cảnh mở đầu tác phẩm, Tràng trong buổi sáng hôm sau hay bữa cơm ngày đói có rất nhiều những chi tiết đặc sắc.
“Đoạn trích này không nhiều chi tiết nghệ thuật, không nhiều sự kịch tích, đây là thách thức cho các cây bút nếu muốn viết sâu bình hay, lệnh phụ cũng gây khó nghĩ cho học sinh khi phải suy luận về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân, thực chất là cái nhìn nhân đạo với niềm tin tưởng và sự đổi đời của người nông dân khí cách mạng đến”, thầy Linh bày tỏ.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, toàn quốc có 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 1.024.063 thí sinh. Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi: 1.012.398 thí sinh, chiếm tỉ lệ 98,86% so với số đăng ký dự thi. Có 11.665 thí sinh chưa làm thủ tục dự thi, chiếm tỉ lệ 1,14% so với số đăng ký dự thi.
Các hội đồng thi đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi thuận lợi; phổ biến quy chế đầy đủ; báo cáo ban chỉ đạo các cấp các trường hợp cần phải điều chỉnh thông tin thí sinh, giúp đỡ thí sinh sửa chữa các sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, tạo tâm lý tốt để thí sinh an tâm sẵn sàng tham gia kỳ thi.
Hoa Trà - Nguyễn Nam
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thi-sinh-bat-ngo-voi-de-thi-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-tin-dat-diem-7-a62364.html