Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc trực tuyến về phòng chống dịch với 20 tỉnh, thành phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại buổi làm việc
TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết tại các tỉnh, thành phía Nam như: Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, TP HCM… hiện là những địa phương dẫn đầu về số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Trong tuần 24, toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). Từ đầu năm đến nay đã có 7 trường hợp tử vong vì tay chân miệng, trong đó, 5 trường hợp được xác định do chủng enterovirus (EV71), 2 trường hợp còn lại chưa có kết quả xét nghiệm.
Trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)
"Số liệu bệnh tay chân miệng có thể thấp hơn so với thực tế do các ca bệnh nhẹ được thăm khám ở phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Do đó, phân tích dựa trên các ca nặng, Viện Pasteur TP HCM nhận thấy An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP HCM là những tỉnh thành có tỉ trọng ca nặng cao" - ông Thượng cho hay.
Theo ông Thượng, hiện bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, trong đó, EV71 chiếm ưu thế. Đây là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng tay chân miệng, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi vào năm học.
"Tại TP HCM, 81% các ca nhập viện chưa được phân bổ hợp lý, điều này ảnh hướng đánh giá lâm sàng, xu hướng bệnh tật. Ví dụ, nếu xác định bệnh nhi mắc EV71 thì sẽ có biểu hiện rõ ràng, khả năng dễ thành ổ dịch, tốc độ lây lan nhanh hơn… Chính vì vậy, phân độ bệnh được đánh giá rất quan trọng để kiểm soát tình hình dịch từ sớm" - ông Thượng nhấn mạnh.
Ông Thượng nhận định trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tay chân miệng. Tuy nhiên, đáng lưu ý có 50% người lớn mắc tay chân miệng không có triệu chứng và đây cũng có thể là nguồn lây khi tiếp xúc với trẻ. Vì vậy, phòng ngừa tay chân miệng không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch… nhằm bảo vệ các bé.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết hiện có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Để đáp ứng kịp thời, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thứ trưởng đề nghị các tỉnh, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phương án 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh, tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo, nhất là tại các phòng khám tư nhân, cơ sở y tế nhỏ lẻ. Ngoài ra, truyền thông trong trường học, cộng đồng, vì có những người lớn là "người lành mang trùng" có thể lây cho trẻ em.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/50-nguoi-lon-mac-tay-chan-mieng-khong-co-trieu-chung-a61575.html