Chiều 13/6, thông tin từ Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị vừa thực hiện ca mổ nối thành công bàn tay cho bệnh nhân P.D.P. (40 tuổi, trú xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc) bị chém đứt lìa, sau gần 5 giờ phẫu thuật.
Theo thông tin từ bệnh viện, khoảng 14h30 ngày 11/6, anh P. trong lúc đang ở nhà thì phát hiện trộm đột nhập nên truy đuổi. Trong lúc đuổi rượt, anh P. bị trộm đánh trả và chém bằng mã tấu vào cổ tay trái, khiến bàn tay đứt rời khỏi cổ tay.
Ngay sau đó, người nhà đã tự băng phần cổ tay cầm máu, đưa anh P. đến trạm xá để sơ cứu và chuyển bệnh nhân cùng với bàn tay đứt lìa bỏ vào thùng đá đến bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng đau nhiều, kích thích, da niêm nhợt, vã mồ hôi.
Ngay khi tiếp nhận cấp cứu, ê-kíp trực đã nhanh chóng giảm đau, xử lý lại bàn tay đứt lìa, làm các xét nghiệm tiền phẫu, chuẩn bị máu truyền. Đồng thời, hội chẩn với trực lãnh đạo, gây mê hồi sức và chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu để nối lại bàn tay bị đứt lìa càng sớm cáng tốt.
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, ca mổ được tiến hành lúc 18h và kết thúc lúc 22h50 cùng ngày. Sau gần 5 giờ phẫu thuật, bàn tay đứt lìa của bệnh nhân P. đã được nối lại, các ngón tay ấm hồng.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh nhân P. được phẫu thuật nối lại bàn tay theo các bước: Gây mê nội khí quản; Làm sạch phần mỏm cụt và bàn tay đứt lìa; Kết hợp xương các xương cổ tay, khâu lại bao khớp cổ tay, khâu nối mạch máu, khâu nối thần kinh, khâu nối lại toàn bộ gân gấp và gân duỗi (gồm 22 gân) cho cổ tay và 5 ngón tay, khâu da che phủ vết thương.
Theo bác sĩ Nam, sau hậu phẫu hiện bệnh nhân P. đã tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, bàn tay nối ấm hồng, gấp duỗi các ngón tay được, còn sưng ít, vết thương khô. Cảm giác bàn tay ngón tay phải chờ một thời gian nữa mới phục hồi.
Bác sĩ Nam khuyến cáo, người dân khi bị đứt lìa chi thể cần băng ép cầm máu phần mỏm cụt (phần còn dính với cơ thể) có thể ga-rô phần chi có vết thương, phần đứt lìa phải dùng vải sạch bao bọc lại bỏ vào túi nylon và đặt vào thùng đá (tránh bỏ tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh), và sau đó chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu để càng lâu thì sẽ mất đi thời gian vàng (6 giờ đầu) để nối lại chi thể và sẽ để lại hậu quả không tốt sau khi nối, đôi khi không thể nối lại chi thể do để quá lâu.
Gio Linh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/gan-5-gio-phau-thuat-noi-ban-tay-bi-chem-dut-lia-cho-nguoi-dan-ong-a60130.html