Sáng 9/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại đầu cầu tỉnh Cà Mau có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Minh Luân, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Qua báo cáo tổng hợp của VPCP cho thấy công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và các địa phương.
Tuy nhiên công tác cải cách TTHC còn nhiều rào cản, cần tập trung tháo gỡ trong các nội dung: Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước; việc giải quyết TTHC còn quá nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc; công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức truyền thống; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế…
Vì vậy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, VPCP làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm trao đổi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ về: Kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; rà soát đơn giản hóa TTHC nội bộ; triển khai phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Chiến dịch 69 ngày nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Theo UBND tỉnh Cà Mau, Công tác cải cách TTHC được xác định là trọng tâm để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, nhiều giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện như tiếp nhận thủ tục "phi địa giới hành chính"; tiếp nhận hồ sơ tại nhà...
Đặc biệt, UBND tỉnh Cà Mau đã cụ thể hóa bằng hành động qua việc tổ chức: "Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến" (từ ngày 1/3 - 9/5/2023) với mục tiêu triển khai đồng bộ, quyết liệt và kỳ vọng đạt được mục tiêu quan trọng trong hành chính số.
Kết quả chiến dịch 69 ngày của tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả tương đối tích cực, chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tiếp tục được cải thiện (tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn của các đơn vị trung bình đạt trên 99%).
Đặc biệt, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến năm từ đầu năm 2023 đến nay đạt 78,26% (tăng 66,15% so với cùng kỳ năm 2022).
Nâng tỷ lệ hài lòng của người dân với giải quyết TTHC
Trong công tác kiểm soát, cải cách quy định TTHC, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã cắt giảm từ 20% đến 80% thời gian giải quyết đối với 392 TTHC. Tính đến hiện nay, toàn tỉnh có 1.499/2.008 (chiếm 74,6%) TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Về công bố công khai TTHC, từ năm 2021 đến tháng 5/2023 tỉnh đã công bố 162 Quyết định công bố TTHC. Số TTHC đang thực hiện tại các cấp là 1.986 thủ tục. Việc Công bố, công khai TTHC đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022. Từ việc năm 2022 chỉ đạt 7,8/18 điểm, tỷ lệ TTHC công bố đúng hạn trung bình năm 2022 mới đạt 27,9% thì đến 5 tháng đầu năm 2023 tăng đạt 17,3/18 điểm, tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn trung bình lên đến 80%.
UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc triển khai Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Bộ phận Một cửa được tổ chức tại 09/09 đơn vị cấp huyện và 101/101 đơn vị cấp xã. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh được triển khai thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp.
Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc tiếp nhận, giải quyết TTHC: tăng từ năm 2021 là 81,76% đến 5 tháng đầu năm 2023 là 91,59%.
Việc đồng bộ công khai, minh bạch tiến trình, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC giúp theo dõi, giám sát của tỉnh Cà Mau đã có sự cải thiện từ năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 67% hồ sơ đến 5 tháng đầu năm 2023 đạt 91%.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) nêu ý kiến, kết quả Cà Mau đạt được trong thời gian qua về công tác cải cách TTHC, đổi mới cung cấp dịch vụ công theo cơ chế một của, một cửa liên thông rất tích cực, đặc biệt là sau "Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến".
Đối với một số hạn chế còn tồn tại liên quan đến công bố công khai TTHC, trong tiếp nhận giải quyết TTHC, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử…, ông Ngô Hải Phan nêu đề nghị tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định.
Cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chúc mừng tỉnh Cà Mau với những kết quả tích cực về cải cách TTHC, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 tăng 16 bậc; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tăng 04 bậc; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh tăng 18 bậc so với năm 2021...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhận định, thời gian qua, công tác kiểm soát, cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đầu năm 2023, công tác này của tỉnh tiếp tục có những sự cải thiện nổi bật như: Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả giải quyết điện tử tăng gần gấp 2 lần, dịch vụ công trực tuyến tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022... Kết quả này góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác này; cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách, kiểm soát quy định TTHC; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong đó quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện TTHC.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, và tháo gỡ các "điểm nghẽn" triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phát sinh thêm TTHC; định kỳ hàng tháng công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chậm muộn…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng yêu cầu tỉnh tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập cho người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý, giải quyết TTHC. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ký số văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.
Đồng thời, tiếp tụcrà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý; kịp thời cung cấp, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Gia Huy
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ca-mau-nhieu-giai-phap-sang-kien-noi-bat-trong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-a59688.html