Tuổi thơ khó nhọc…
Mới 13 tuổi đầu, anh khăn gói theo họ hàng vào tận mạn miền núi huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa làm thợ mộc dựng nhà để kiếm cơm tự nuôi thân và cũng như cho gia đình bớt đi một miệng ăn khi mà gánh nặng cơm áo để nuôi tám anh em của cha mẹ anh thời bao cấp đói kém.
Lúc ấy, anh chỉ suy nghĩ đơn giản rằng đi làm vừa để "kiếm cơm" vừa để học được cái nghề ra đời chứ cũng chẳng mong ước gì cao sang, giàu có như bây giờ vì "có thực mới vực được đạo" khi mà cái đói cứ cận kề sau mỗi ngày làm việc cực nhọc, một bữa no với đứa trẻ như anh là hạnh phúc nhất đời lúc bấy giờ.
Học hành lành nghề một chút thì năm 1988, vừa tròn 18 tuổi anh vào bộ đội, đóng quân trên Cao Bằng xa xôi. Đời lính đã dạy cho anh nhiều điều, như tính kỷ luật, sự tận tâm, tình đồng đội để 3 năm sau khi xuất ngũ, anh lại về quê hương Xuân Khê lập nghiệp.
Cơ sở sản xuất của anh ra đời được 30 năm nhưng có những người gắn bó cũng đã 20 năm theo anh trên các nẻo đường. Anh và những người thợ trân quý nhau bởi cái tình của người dân quê cùng làng cùng xã mà cố kết, mà gắn bó nên cái tình càng đậm đà hơn.
Để có công ăn việc làm cho 40-50 người thường xuyên làm việc với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng, anh Ngọc xác định phải nhạy bén quảng bá chất lượng sản phẩm, tìm kiếm khách hàng nhưng tâm niệm của anh vẫn là "làm thật, ăn thật" chứ không có chuyện "làm chơi, ăn thật" để giữ uy tín cho sự nghiệp mà anh gây dựng 30 năm qua.
Vì thế, việc đam mê phục dựng nhà cổ được anh và thợ chăm chút tỉ mẩn, mỗi căn nhà hoàn công được anh xem như ngôi nhà của mình để lưu giữ những nếp nhà cổ xưa của cha ông, cũng chính là giữ lại nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của cha ông cho các thế hệ con cháu sau này. Đến nay, đã có hàng trăm căn nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước được anh góp công phục dựng.
Những căn nhà gỗ xây mới hoặc phục dựng theo lối cổ được anh làm nên là hội tụ tâm huyết, sự sáng tạo sao cho vừa ý khách hàng nhưng cũng hợp với môi trường cảnh vật xung quanh, nhất là đúng với phong thủy, tập quán và văn hóa của người dân địa phương.
Trả nghĩa cho đời
Lớn lên từ cái nghèo và gây dựng sự nghiệp trong buổi gieo neo nên khi có chút thành công, vợ chồng anh luôn quan tâm giúp đỡ bà con trong làng ngoài xã, những gia đình nghèo khó, từ người già neo đơn để trẻ em cơ nhỡ.
Ký ức về cái nghèo trước đây luôn nhắc nhở anh phải làm thật để giữ được cơ ngơi bao công sức gây dựng, dù lãi không nhiều. Nhưng với phương châm "năng nhặt, chặt bị" nên anh cần cù, chịu khó đi nhận công trình khắp nơi, dù miền núi khó khăn hay miền Trung xa ngái.
Anh Trương Văn Sang, một thợ mộc theo anh làm việc đã hơn 10 năm cho biết anh Ngọc là người hiền lành, quan tâm đến anh em thợ thuyền từ công việc ở xưởng hay chuyện gia đình nên ai cũng yên tâm gắn bó lâu dài để làm nhiều công trình, nhà cửa khắp các tỉnh phía bắc hay miền Trung xa xôi mà chẳng nề hà gì.
Nghề mộc hiện nay được sự hỗ trợ nhiều của máy móc, tuy nhiên nhiều chi tiết vẫn đòi hỏi sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề trong việc đục đẽo, chạm trổ, nhất là những căn nhà mà gia chủ yêu cầu khắt khe hay những đền chùa, miếu mạo mà nhân dân yêu cầu phục dựng như nếp cũ...
Điều này đòi hỏi anh và bạn thợ phải trăn trở, tính toán kỹ lưỡng khi nhận công trình.
Trong việc làm đình chùa, miếu mạo cho nhân dân lấy nơi thờ tự, anh lại xác định "phát tâm công đức" là chính khi nhiều công trình xây dựng xong mà không có lãi bởi anh đã "cúng dường" cho nhà chùa còn mình nhận sự thanh thản, an yên...
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khê, ông Trương Văn Tính đánh giá người thành đạt trong công việc thì nhiều nhưng người có tấm lòng như anh Ngọc thì hiếm.
Ông cho biết xã Xuân Khê đã hoàn thành xã nông thôn mới và tháng 6 này được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, cuối năm về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng, nguồn lực của xã, huyện có hạn nên phải kêu gọi sự góp sức của nhân dân. Những lúc ấy, anh Ngọc luôn là người đi đầu đóng góp.
Quê hương Xuân Khê đang đổi mới, người dân ấm no, an ninh trật tự được bảo đảm có công sức không nhỏ của anh Ngọc. Trong các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu có tiêu chí về đường hoa các thôn, sàn thương mại điện tử, internet miễn phí, camera an ninh... đều có sự chung tay của gia đình anh Ngọc.
Ông Trương Văn Tính kể mới đây, anh Ngọc tham gia tổ chức mừng thọ cho tất cả các cụ từ 75 tuổi trong toàn xã. Ngoài quà của chính quyền và Hội Người cao tuổi, anh biếu mỗi cụ hiện vật và 800.000 đồng. Đồng thời, anh tặng mỗi Chi hội Người cao tuổi các thôn một khoản tiền để gửi tiết kiệm chi tiêu cho việc làng, việc họ của các cụ cũng như khi có "hữu sự".
Đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh dành một khoản tiền khá lớn đóng góp cho các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức thiện nguyện để mua thiết bị, vật tư y tế và thuốc thang điều trị cho nhân dân, cùng cán bộ đi động viên kịp thời các lực lượng làm nhiệm vụ "trực chốt".
Với các hộ nghèo trong xã, trong huyện, anh Ngọc tham gia nhiều chương trình "Lục lạc vàng" tặng bò cho nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được chính quyền các cấp ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.
Vì thế, trong nếp nhà gỗ của mình, anh Ngọc dành một vị trí trang trọng để lưu giữ những tấm bằng khen, giấy khen, lời cảm ơn của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân trong và ngoài tỉnh dành cho mình. Anh coi nó như tài sản quý giá trong suốt hành hành trình làm nghề của mình.
Uy tín làm nên thương hiệu
Đến huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhắc đến tên anh Ngọc thì làng trên, xóm dưới đều biết và bà con gọi với các tên thân thương Ngọc "gỗ" bởi tính cách hiền lành, thật thà, chất phác như anh vẫn tự nhận "nông dân" của mình dù hiện tại anh có một cơ ngơi đồ sộ mà nhiều người mơ ước.
Có được cơ ngơi này, với anh là mồ hơi và công sức không đếm xuể bởi anh biết mình phải cố gắng gấp nhiều lần so với người khác. Anh tâm sự: "Tôi phải cố gắng hơn nhiều người khác vì mình không được học hành bài bản để có được kiến thức nền tốt nhất trong khi số vốn ban đầu cũng chỉ có vài đồng "lận lưng" tích cóp và vay mượn bạn bè, họ hàng. Do đó, không làm thật và tính toán kỹ càng thì mất vốn, vỡ nợ là điều không tránh khỏi".
Trăn trở về điều này, anh quyết tâm động viên vợ tập trung ôn thi vào trường sư phạm và dành thời gian để nuôi con được ăn học đến nơi đến trốn. Đến nay, cô con gái đầu của anh đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và có bằng thạc sĩ của nước Anh, hiện làm việc tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại Hà Nội.
Cậu con trai thứ hai đang là sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Tuy hai con anh không nối nghiệp theo nghề của cha nhưng anh quan niệm, mỗi một thời kỳ phát triển thì việc chọn nghề phù hợp, cố gắng làm tốt, cống hiến hết mình cũng là góp phần nhỏ bé cho sự phát triển chung của đất nước.
Lê Sơn
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nghe-nhan-dam-me-phuc-dung-nha-co-a59471.html