Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Lê Quang Trung cho rằng, những câu trả lời chất vấn của các Bộ trưởng rất thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề được đại biểu, nhân dân, người lao động quan tâm.
Với 99 đại biểu đăng ký chất vấn, có thể thấy sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân với lĩnh vực lao động, việc làm.
Đáng chú ý, các đại biểu không chỉ đặt câu hỏi chất vấn, tham gia tranh luận làm rõ vấn đề mà còn gợi mở cả hướng giải quyết, đề xuất giải pháp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã thể hiện nắm rất chắc, rất rõ vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý; trả lời rõ trọng tâm, giải trình thỏa đáng, rõ trách nhiệm.
Quan trọng hơn, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách lẫn tổ chức thực thi. Các giải pháp nêu ra rất rõ mà nếu làm tốt, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực trong thực tế.
Trước các câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng đã trả lời đi thẳng vào vấn đề, thể hiện sự bao quát lĩnh vực quản lý. Phần trả lời đã cho thấy trách nhiệm của Bộ trưởng Hầu A Lềnh trước cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội khi đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Lê Quang Trung cho rằng, để thực hiện được các giải pháp giải quyết những vấn đề "nóng" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu, các địa phương cần chủ động xây dựng các chương trình, dự án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trên cơ sở đó doanh nghiệp thu hút việc làm dài hạn hoặc bố trí việc làm tạm thời. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm bày tỏ tâm đắc về giải pháp làm quyết liệt công tác dự báo cung cầu lao động, dự báo về các loại thị trường, đặc biệt là dự báo ngắn hạn và trung hạn mà Bộ trưởng nêu. Bởi lẽ, từ dự báo này mới có thể tính toán đổi mới khoa học, đổi mới công nghệ phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư, các thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Quang Trung nhìn nhận, Bộ trưởng Hầu A Lềnh tuy lần đầu đăng đàn nhưng nắm rất chắc các vấn đề, đặc biệt các chính sách hỗ trợ về đất đai, chính sách bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng đã nói được tất cả các vấn đề mà Bộ trưởng trăn trở, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc rất rộng, liên quan đến tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã làm rõ được trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc liên quan đến các nhóm vấn đề: Hệ thống chính sách dân tộc, những thuận lợi khó khăn và giải pháp; nhóm vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Bộ trưởng cũng đã đưa ra được các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trong thời gian tới.
Thể hiện trách nhiệm 'tư lệnh ngành', đi thẳng vào những vấn đề đang được quan tâmTrao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Airtech Thế Long cho rằng, trong phần trả lời chất vấn của mình, các Bộ trưởng đã rất thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề nóng của các ngành như: Hiện tượng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, năng suất lao động, lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần, công tác an sinh xã hội trong việc hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống chính sách dân tộc, những thuận lợi khó khăn và giải pháp; nhóm vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719…
Ông Long nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri, người dân và doanh nghiệp, các vị đại biểu Quốc hội và của toàn xã hội.
Với kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, nắm chắc tình hình, thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, các Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Long bày tỏ đồng tình với các giải pháp của Bộ LĐTB&XH trong triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị thiệt hại do COVID-19 theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.
Ông Long cũng cho rằng cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế pháp luật về lao động và việc làm, có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động, Bộ LĐTB&XH là đơn vị tiên phong phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
"Chỉ riêng thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và các quy định của Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người dân và người lao động và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 120.000 tỷ đồng", ông Long dẫn ra số liệu cụ thể để nhấn mạnh về những kết quả của ngành LĐTB&XH trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.
Tuy nhiên, cử tri này cũng bày tỏ, các "tư lệnh ngành" đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này cũng cần làm rõ được những tồn tại, hạn chế, nhận diện rõ được những "nút thắt" về nguồn lực, cơ chế, chính sách… để kịp thời tham mưu cho Chính phủ những giải pháp hiệu quả "trúng và đúng" để gỡ vướng cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Giải đáp những vướng mắc sát sườn với quyền lợi của người dânCử tri Dương Quang Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Báo chí (Trung tâm Báo chí quốc gia) cho biết, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng những vấn đề lớn của đất nước, sát sườn với các địa phương, trong đó có đề xuất địa phương góp vốn với Nhà nước để làm khoảng 3.000 km đường cao tốc. Đây là ý kiến hay và khả thi. Đồng thời, phương án kêu gọi vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia và phải có cơ chế thích hợp cho họ cũng đã được đề xuất.
Những vấn đề khác như xây cầu, sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, người dân cũng biết được cầu nào sẽ được làm, bao giờ sẽ có cầu để phục vụ đi lại của người dân… Đây là những nội dung rất sát với thực tiễn, liên quan đến quyền lợi sát sườn và được đông đảo người dân quan tâm.
Ông Dương Quang Minh đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã rất thẳng thắn khi thừa nhận ngành còn tồn tại cần quyết liệt xử lý như tai nạn giao thông, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp, quản lý, thu hồi giấy phép lái xe.
Những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội sẽ là động lực để Bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, ông Dương Quang Minh cho rằng, Bộ trưởng cần trả lời cụ thể hơn về việc kêu gọi vốn từ nước ngoài hay kế hoạch đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường cao tốc… Những vấn đề lớn này làm thế nào để huy động được cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia?
Liên quan việc đào tạo đội ngũ kiểm định viên, vấn đề đăng kiểm không thể dừng lại khi có nhiều kiểm định viên đang trong vòng lao lý, cử tri Dương Quang Minh cho rằng, Bộ GTVT cũng đã có giải pháp trước mắt, nên cần phải có thời gian để giải quyết vấn đề này.
Thu Cúc – Toàn Thắng – Thúy Hà
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phan-tich-thuc-trang-thau-dao-dua-nhieu-giai-phap-thuyet-phuc-a59413.html