Theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN thường trú tại TP.HCM, Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) đã 5 tháng qua không còn vaccine 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ vì đã hết từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết.
Do thời gian chờ đợi dài mà vẫn chưa có, trạm đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Phần lớn phụ huynh cũng chấp nhận tiêm dịch vụ cho con.
Hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều gia đình phải tiêm dịch vụ vì lo con mắc bệnh
Tình trạng hết vaccine cũng xảy ra ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, trưởng trạm y tế cho biết: trạm có 2 phương án tư vấn cho các trường hợp tiêm vaccine 5 trong 1, tùy theo tình hình kinh tế gia đình có thể đáp ứng được hay không.
“Những trường hợp các cháu mà gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vaccine OPV trước để ngừa bệnh bại liệt. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi thì sẽ tiến hành tiêm”, bác sỹ Ngọc Mỹ bày tỏ.
Còn tại Hà Nội, bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, một số loại vaccine trong đó có vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay cũng đã hết.
Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ vaccine đến các địa phương trong đó có Hà Nội để đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.
Tìm hiểu tại các trạm Y tế trên địa bàn các xã, phường của Hà Nội cho thấy, tình trạng hết vaccine xảy ra ở các xã, phường đông dân cư và không thực hiện dự trù từ năm ngoái, còn lại thì cũng đang cầm chừng. Và nếu Bộ Y tế không cấp thì chỉ trong khoảng 3 tháng nữa Hà Nội cũng “cạn kiệt” vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã cho rà soát nhu cầu các mũi tiêm chủng của nhân dân và lên danh sách. Khi có vaccine, những trẻ bị hoãn, bị trễ sẽ được ưu tiên tiêm phòng sớm nhất có thể.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vaccine là biện pháp tối ưu nhất, tuy nhiên, trong trường hợp “bất khả kháng” hiện nay vẫn có những cách khác.
Cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có được một nền sức khỏe tốt, hệ thống miễn dịch khỏe thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp và nếu có mắc, việc điều trị cũng dễ dàng hơn.
"Chúng ta cần vệ sinh hàng ngày cho trẻ như rửa tay, súc họng, rửa mũi. Người lớn đi ở ngoài về thì cũng phải vệ sinh cá nhất tốt trước khi tiếp xúc với em bé”, bác sỹ Hải khẳng định đây là biện pháp đơn giản nhưng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh cho em bé rất nhiều.
Bác sỹ cũng lưu ý, hiện bệnh cúm xuất hiện rải rác vì thế khi gia đình có người bị bệnh thì cần cách ly tương đối em bé ra khỏi môi trường có thể lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng cũng đang rất nguy hiểm tại các tỉnh thành phía Nam, bệnh lây qua đường tiếp xúc, vì thế các gia đình cần vệ sinh thân thể cho bé và cả môi trường sống.
Trong những tháng tới, bệnh viêm não Nhật Bản cũng là mối đe dọa với trẻ em. Bác sỹ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh: trường hợp trẻ bị trì hoãn mũi tiêm chủng phòng viêm não Nhật Bản, nhưng nếu được chăm sóc, vệ sinh đầy đủ thì vẫn có thể phòng được bệnh này cho em bé./.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bi-tri-hoan-tiem-chung-do-thieu-vaccine-con-cach-nao-khac-bao-ve-tre-a59397.html