Nâng cao năng lực cho nông dân gắn với kiến thức và kỹ năng

(Chinhphu.vn) - Tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã làm rõ nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức và kỹ năng cho lao động nông nghiệp và lao động phi nông nghiệp ở nông thôn là một yêu cầu cấp thiết. Bộ NN&PTNT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và những cơ quan liên quan thiết kế những chương trình đào tạo nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế của từng cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Bộ trưởng băn khoăn: "Hình như tôi chưa bao giờ thấy rằng một cấp xã hay cấp huyện khi định hình chương trình phát triển nông nghiệp có xác định cần bao nhiêu ngành nghề, cần những gì để đào tạo đội ngũ nông dân cũng như lao động là cư dân nông thôn". Chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, vì vậy câu chuyện đào tạo nghề nông thôn không phải chỉ là đào tạo nghề nông mà là một chuỗi ngành hàng tích hợp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế một hệ thống, một chương trình để đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu và sự phát triển của địa phương.

Bộ NN&PTNT đã đề ra một kế hoạch để cấu trúc lại lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn gắn với việc thực hiện Nghị quyết 19. "Trong Nghị quyết 19, một trong những giải pháp đầu tiên để phát triển tam nông là nâng cao năng lực của người nông dân và cư dân nông thôn. Năng lực đó bao gồm kiến thức và kỹ năng làm nông, cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp khác,  với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ là tư duy sản xuất nông nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và có chương trình để đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các vùng đó. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cấu trúc lại hệ thống các trường trực thuộc Bộ, trong đó đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Bộ cũng yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả…

Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiến hành cơ chế "đặt hàng" những nghệ nhân của các ngành nghề, hiệp hội để đào tạo nhân lực. Bởi có những nghề mang tính chất dân gian, truyền thống, nếu được chính những người trải nghiệm đào tạo thì sẽ tốt hơn. "Như vậy, chúng ta sẽ đưa ra được nhiều chương trình phát triển dạy nghề trong thời gian tới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Đỗ Hương


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nang-cao-nang-luc-cho-nong-dan-gan-voi-kien-thuc-va-ky-nang-a59299.html