Giá heo tăng, người chăn nuôi vẫn gặp khó

Ngành chăn nuôi gặp sức ép lớn khi hội nhập bởi yếu thế trong cạnh tranh, nhiều nông hộ phải bỏ nghề

Sau khi tăng "nóng" hồi tháng 5-2023, hiện giá heo hơi đã hạ nhiệt, về dưới 60.000 đồng/kg, giá bình quân cả nước khoảng 58.000 đồng/kg. Dù đây là giá cao hơn giá thành nhưng người chăn nuôi vẫn chưa yên tâm khi sức mua trên thị trường vẫn yếu. Chưa kể, rất nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn nên không được hưởng lợi từ đợt tăng giá này.

Nông hộ bỏ cuộc

Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), từng là một người chăn nuôi giỏi nhưng cũng đã giảm đàn 50% do không chịu được thua lỗ kéo dài. Chăn nuôi hiện đại đòi hỏi kiểm soát dịch bệnh, đầu tư vốn lớn, có đất rộng, có vành đai bảo vệ để bảo đảm an toàn sinh học… nên nông hộ không đủ năng lực tham gia.

"Dần dần, chỉ còn các doanh nghiệp (DN) lớn và các tập đoàn nước ngoài tham gia nuôi heo. Số hộ chăn nuôi quanh đây cũng đã giảm đến 70% vì không còn hiệu quả. Dù chuồng trại còn thì họ cũng làm nghề khác để sống" - ông Thắng chua chát.

Theo một thống kê được công bố, cách đây 10 năm, Việt Nam có 10 triệu hộ chăn nuôi heo. Cách đây 3 năm, số hộ giảm còn 4 triệu, đến nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ.

Giá heo tăng, người chăn nuôi vẫn gặp khó - Ảnh 1.

Ngành chăn nuôi khó khăn trong cạnh tranh khi hội nhập

Trong đơn kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số bộ, ngành liên quan mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mô tả ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu - có thời điểm giá bán một số sản phẩm chỉ bằng 2/3 giá thành.

"Nhiều DN và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài" - Chủ tịch VIPA nêu thực trạng.

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), sự khó khăn của ngành chăn nuôi đã được dự báo từ trước, khi Việt Nam hội nhập sâu kinh tế thế giới. Ngành chăn nuôi Việt Nam không có lợi thế về đất đai rộng, phải nhập khẩu từ nguyên liệu thức ăn đến con giống, thuốc thú y… nên giá thành cao hơn nhiều nước phát triển về chăn nuôi.

"Thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm nên hàng nhập khẩu ngày càng rẻ. Nhiều nông dân trong nước không nắm được xu hướng này vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất, gặp lúc kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên giá bán sản phẩm đồng loạt xuống thấp" - TS Đạt phân tích.

Chọn thị trường ngách

Trong bối cảnh hiện nay, TS Đạt đánh giá các hộ chăn nuôi chỉ còn lợi thế với những sản phẩm bản địa, đặc sản và các mô hình sản xuất tuần hoàn theo phương thức truyền thống. Đây là thị trường ngách, quy mô nhỏ, các DN lớn sẽ không đầu tư nên ít có sự cạnh tranh.

Đối với DN chăn nuôi, qua đợt khủng hoảng này sẽ có sự sàng lọc, chỉ những DN có thực lực mới tồn tại. Những DN còn lại buộc phải sản xuất theo chuỗi khép kín để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam An Group (Nam An Farm, TP HCM) - một trong những doanh nhân thức thời, đã nhận thấy nhu cầu về thịt heo sạch từ năm 2015 nên đã thử nghiệm nuôi tại trang trại ở Bình Dương nhưng theo phương thức truyền thống. Năm 2017, khi thịt heo mang thương hiệu Nam An mới ra thị trường, sản lượng chỉ 3-4 con/ngày nhưng từ năm 2022 đến nay đã đạt 50-60 con/ngày (bao gồm heo hơi).

Đến nay, ngoài heo hơi, thịt heo tươi, Nam An Farm đã phát triển thêm 20 sản phẩm chế biến từ thịt heo như: giò chả, xúc xích, chà bông, dồi sụn… để tối ưu hóa sản xuất, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Theo anh Sơn, heo nuôi theo kiểu truyền thống tuy dài ngày nhưng thịt ngon hơn, có phân khúc khách hàng riêng và giá bán cao hơn heo nuôi công nghiệp 15%. Dù phân khúc thị trường hẹp nhưng cũng đủ cho một đơn vị khởi nghiệp như Nam An Farm phát triển.

"Trong thời gian tới, khi kinh tế phục hồi, Nam An Farm sẽ phát triển thêm mạng lưới các nông hộ nuôi heo theo quy trình của DN và bao tiêu sản phẩm. Mỗi hộ chỉ cần nuôi vài chục con heo, không cần thuê lao động, đủ sinh kế cho một gia đình ngay tại địa phương" - anh Sơn nhận xét.

Đối với ngành trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.food, TP HCM), nhìn nhận trong các sản phẩm chăn nuôi thì trứng không gặp áp lực bởi hàng nhập khẩu mà chỉ gặp khó khăn do nội tại.

Để giảm bớt khó khăn từ thị trường nội địa, các DN bắt đầu nhìn thấy cơ hội xuất khẩu trứng chế biến như trứng vịt muối từ nguồn trứng vịt nuôi bán công nghiệp, chất lượng cao hơn trứng vịt nuôi công nghiệp. Mới đây, V.food còn xuất khẩu được lô trứng lỏng đầu tiên sang Hàn Quốc, được thị trường này đón nhận khá tốt.

"Với trứng chế biến, hàng sản xuất tại Việt Nam giá thành rẻ hơn nhiều nước nên có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, trứng chế biến có hạn sử dụng dài, thủ tục xuất khẩu đơn giản hơn trứng tươi" - ông Thiện giải thích.

Việc mở được thị trường xuất khẩu cho trứng chế biến sẽ giúp các trang trại nuôi gà, vịt đẻ trứng có thêm đầu ra, giảm áp lực tiêu thụ trong nước. 

Cần kiểm soát thịt đông lạnh

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, người tiêu dùng Việt Nam thích tiêu dùng thịt "nóng" (thịt tươi mới giết mổ) là một lợi thế đối với chăn nuôi trong nước. Thế nên, thịt đông lạnh nhập khẩu cũng rã đông và bán như thịt "nóng" ở các chợ. Điều này không bảo đảm quy tắc về an toàn thực phẩm nhưng cơ quan chức năng đang bỏ ngỏ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/gia-heo-tang-nguoi-chan-nuoi-van-gap-kho-a59211.html