Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn

Để phân loại rác tại nguồn sớm trở thành lối sống xanh, bền vững đòi hỏi sự triển khai quyết liệt, đồng bộ, trong đó quan trọng là thay đổi tư duy và nhận thức.

Tối ngày 6/6, Chi hội Luật gia phường Bưởi phối hợp với UBND phường và Hội Luật gia quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 và tư vấn pháp lý cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phường.

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn

Trên địa bàn phường Bưởi, Chi hội Luật gia đã triển khai thành công mô hình: “Tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020; vận động, hướng dẫn các hộ dân phường Bưởi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giám sát cộng đồng”.

Tham dự hội nghị, có ông Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ; Trung tá Chu Thành Quân – Phó Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy Công an quận Tây Hồ;  các Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Phạm Thanh Giang, Ngô Kim Hạnh; bà Phan Thị Thuý Nga - Phó Bí thư Đảng ủy phường Bưởi, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi; ông Nguyễn Minh Hoài - Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi, các ông bà là đại diện chi bộ, Tổ dân phố cùng đông đảo các hộ gia đình, cá nhân thuộc Tổ dân phố số 1, 2, 3, phường Bưởi.

Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe TS. Trần Văn Duy – Chuyên viên Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư Pháp trình bày một số điểm mới và nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đặc biệt là quy định về phân loại rác thải tại nguồn.

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn (Hình 2).

TS. Trần Văn Duy trình bày nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31/12/2024).

Cụ thể, điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Cùng với đó, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

“Việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”, TS. Trần Văn Duy nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Văn Duy, để thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nhất là để người dân hình thành dần thói quen phân loại rác thải ngay tại nguồn. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể người dân về cách thức phân loại rác theo đúng quy định.

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn (Hình 3).

Báo cáo viên hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy. 

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn (Hình 4).

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Đinh Văn Niệm – Báo cáo viên Phòng cháy chữa cháy Bộ Công an cũng đã trình bày một số điểm quan trọng của Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 đồng thời phân tích công tác đảm bảo phòng chống cháy nổ tại địa bàn và hướng dẫn người dân một số giải pháp chữa cháy tại chỗ và thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra.

Trung tá Chu Thành Quân – Phó Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy Công an quận Tây Hồ cũng thông tin thêm với người dân về tình hình phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Tây Hồ nói chung và phường Bưởi nói riêng đồng thời đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân khi gặp sự cố cháy nổ.

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn (Hình 5).

Trung tá Chu Thành Quân – Phó Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy Công an quận Tây Hồ.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng do đó để công tác này đạt hiệu quả rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhất là sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của người dân.

Với việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ông Đức bày tỏ hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cũng như người dân từng bước thay đổi thói quen cũ, cùng hướng tới mục tiêu chung, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Sự kiện - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn (Hình 6).

Ông Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ.

“Mặc dù Luật, các quy định, chế tài xử phạt đã có, tuy nhiên để việc phân loại rác mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, cần sự bền vững. Do đó, về cơ bản vẫn cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác, giúp họ biết cách phân loại, hình thành, duy trì thói quen phân loại rác tại nhà”, ông Lê Trung Đức nhấn mạnh.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tang-cuong-tuyen-truyen-huong-dan-nguoi-dan-phan-loai-rac-tai-nguon-a59186.html