Nội dung điều chỉnh tổng thể cần đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô
Để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng quy hoạch, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan lập quy hoạch) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai công tác lập Quy hoạch.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch; phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các sở, ngành thành phố trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; là đầu mối liên lạc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác hướng dẫn tổ chức lập quy hoạch, tổ chức trình thẩm định, báo cáo tiến độ theo định kỳ.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội các nội dung liên quan đến tổ chức không gian, lập hệ thống bản đồ, bản vẽ trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; bảo đảm các nội dung Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội khớp nối, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực phụ trách giai đoạn 2011-2020; cung cấp số liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội và các đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các định hướng quy hoạch.
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các định hướng quy hoạch.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính TP. Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.
Quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, giữ bản sắc của Thủ đô
Trong quan điểm tổ chức không gian lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là một trong những trục quan trọng với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Với trục cảnh quan sông Hồng, diện mạo Thủ đô được phác họa là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình.
Trước đó tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội, trình bày về định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch thành phố Hà Minh Hải cho biết, bên cạnh 3 trục phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, thành phố cũng định hướng hai thành phố trực thuộc Thủ đô và ba khu vực không gian gồm ngầm; xanh và công cộng. Quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô, giữ gìn văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ, đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh.
Đồng tình với định hướng này, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, trước hết phải làm trục sông Hồng, sau đó kết hợp với Hồ Tây - Ba Vì thành trục văn hóa để làm rõ đặc trưng của Hà Nội.
Bên cạnh đó, để Thủ đô thực sự "văn hiến - văn minh - hiện đại" như mục tiêu của quy hoạch, thành phố phải đặc biệt quan tâm giải quyết tận gốc các vấn đề dân sinh bức xúc như rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, nghĩa trang...
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định, sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt với khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ sông Hồng.
Thành phố Hà Nội đang chứng kiến quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt ở cả hai bên bờ sông Hồng. Bên cạnh hệ thống cầu, đường được xây dựng từ trước, một loạt cầu mới hiện đại, cùng các đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5 và đặc biệt là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được triển khai xây dựng. Hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị cũng được nâng cấp…
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, hệ thống giao thông ngày một hoàn chỉnh và hiện đại không chỉ kết nối hai bên bờ sông, toàn vùng châu thổ, đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm, trục phát triển chủ đạo của Thủ đô Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Hà Nội quyết định chọn trục không gian sông Hồng là trục chủ đạo cho sự phát triển Thủ đô trong chủ trương xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại là quyết sách kịp thời và đúng đắn. Cùng với đó, thành phố cũng đã có kế hoạch phát triển các huyện nằm dọc sông Hồng thành quận (tả ngạn là Đông Anh, Gia Lâm; hữu ngạn là Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì). Ở phía Nam sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong tương lai, khu vực này sẽ được nâng cấp trở thành một thành phố.
Đồng tình với chủ trương của Hà Nội xác định quy hoạch sông Hồng là trục chính để phát triển, TS. Nguyễn Đình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội góp ý thêm, quy hoạch sông Hồng không chỉ nghiên cứu trong phạm vi chiều dài 40km qua đô thị trung tâm mà cần xem xét toàn bộ 163km qua địa giới của Hà Nội. Đặc biệt, quy hoạch cần chú trọng đến an ninh nguồn nước không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, Hà Nội cần kiến nghị với các tỉnh phía thượng lưu phải có giải pháp ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững. Đồng thời, các tỉnh phía thượng lưu cần cam kết rằng nguồn nước thải ra sông Hồng không trở thành gánh nặng cho các tỉnh phía hạ lưu, trong đó có Hà Nội.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu sông Hồng đã được thực hiện từ lâu với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, thể hiện qua 20 dự án lớn nhỏ khác nhau. Trên tinh thần kế thừa những nghiên cứu trước đó, quy hoạch sông Hồng phải được xem như dấu ấn của quá trình phát triển trong giai đoạn hiện nay với sự quan tâm đồng bộ, không những về kinh tế mà còn khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử; nhận diện đầy đủ quỹ di sản còn lại hai bên sông. Ngoài ra, trong bối cảnh mới phải áp dụng khoa học công nghệ nhằm ổn định dòng chảy, đời sống dân cư và có sự tham gia của các bộ, ngành trung ương…
Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2022. Để quy hoạch này thành hiện thực, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ không chỉ chính quyền Thủ đô mà cả các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về giải quyết những điểm còn vướng mắc.
Thùy Chi
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bao-dam-tien-do-chat-luong-quy-hoach-thu-do-giai-doan-2021-2030-tam-nhin-den-2050-a59047.html