Biển cảnh báo nguy cơ sứa tấn công tại một bãi biển ở Úc.
Theo Newsweek, bé trai đi bơi ở bãi biển Casuarina, gần thành phố Darwin, thuộc vùng lãnh thổ Bắc Úc. Bé trai bị sứa hộp chích ở chân và bụng.
Sở dĩ sứa hộp có tên như vậy là vì cơ thể hình khối của chúng. Chúng có những xúc tu dài tới 3 mét, bên trong chứa nọc độc cực kỳ nguy hiểm.
Có tới 50 loài sứa hộp, nhưng nguy hiểm nhất phải kể tới loài sứa hộp Úc, hay còn gọi là Chironex fleckeri. Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) coi sứa hộp là loài sinh vật biển có nọc độc thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Nọc độc của sứa hộp có thể gây tê liệt và ngừng tim trong vòng vài phút, thậm chí dẫn tới tử vong.
Trong trường hợp trên, có 2 nhân viên cứu hộ có mặt kịp thời ở bãi biển, sơ cứu cho bé trai bằng giấm và sau đó gọi xe cấp cứu.
“Đây là sự cố hiếm gặp, không may rằng bé trai bị sứa hộp chích. Chúng tôi có một số nhân viên được nghỉ phép, tình cờ có mặt ở đó và họ tìm được giấm để sơ cứu cho bé trai. Nếu không có giấm, câu chuyện có thể trở nên rất khác”, Sam Edwards, một người làm việc trong đội ngũ cứu hộ ở vùng lãnh thổ phương Bắc của Úc, nói.
Một loài sứa hộp chuyên sống ở vùng biển ngoài khơi Úc.
Giấm được khuyên dùng cho nạn nhân bị sứa có độc chích, vì axit axetic trong giấm làm mất hoạt tính của các nang chứa độc, ngăn chúng giải phóng nọc độc vào cơ thể nạn nhân.
“Bôi giấm càng sớm càng tốt, tránh để sứa độc chích thêm lên cơ thể là rất quan trọng. Xúc tu của sứa độc bám vào cơ thể nạn nhân càng lâu, càng có nhiều nọc độc xâm nhập”, Edwards nói.
Cơ quan y tế ở vùng lãnh thổ Bắc Úc xác nhận bé trai đã hồi phục và đã được xuất viện. Edwards cũng lưu ý rằng việc bé trai sống sót là điều cực kỳ may mắn.
Sứa hộp xuất hiện phổ biến ở vùng biển phía Bắc Úc trong giai đoạn tháng 11 đến tháng 4 năm sau và ít xuất hiện hơn trong giai đoạn mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 10, theo Newsweek.
Đăng Nguyễn - Newsweek
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/be-trai-song-sot-than-ky-sau-khi-bi-loai-sua-kich-doc-tan-cong-a59028.html