Sáng 29/5, anh Phạm Hồng Hà (46 tuổi ở xã Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cõng con trai Phạm Thành Nam từ phòng 602 khoa H6 xuống sảnh chính nhà H Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Hà Nội đi lại cho khuây khoả. Nam vừa truyền xong hoá chất, cậu bé mệt mỏi nằm trên vai bố.
Ba ngày liên tiếp Nam truyền thuốc không xuống khỏi giường, nên tranh thủ buổi sáng còn mát anh Hà cho con xuống sảnh thay đổi không khí. Anh vừa đi vừa cố gắng không để con thấy tâm trạng nặng nề của bản thân. Anh không biết còn gắng gượng chạy chữa cho con được đến bao giờ.
Anh Hà cõng con trai đi dạo sau 3 ngày liền truyền hoá chất. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)
Nam là con út của anh Hà và chị Đỗ Thị Mến. Cách đây 4 năm, sau một tuần sốt cao, em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp. Ngày ấy, Nam sốt 40 độ, một tuần khỏi nhưng cơ thể xuất hiện những vết bầm tím khắp nơi. Nghĩ con bị bạn ở lớp đánh anh Hà tìm đến hỏi cô giáo, cô nói con không bị ai đánh, bản thân các cô cũng thắc mắc về các vết thâm này.
Không chỉ vết bầm tím, Nam còn gặp tình trạng tê bì chân, không thể đứng lên được. Anh Hà và chị Mến đưa con đến bệnh viện Hà Tĩnh khám. Cả hai chết lặng khi bác sĩ thông báo con bị ung thư máu.
Với hy vọng bác sĩ chẩn đoán nhầm, anh Hà về nhà vay mượn khắp nơi được 46 triệu đồng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ngay trong đêm. Do bệnh nhân đông, bạch cầu của con cao nên các bác sĩ đề nghị chuyển qua Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Một đêm mất ngủ tại nhà trọ, vợ chồng anh đưa con sang Viện Huyết học vào sáng 21/4. Nam nhập viện và kết quả không thay đổi.
“Con bị ung thư ”, từ ung thư ám ảnh tâm trí hai vợ chồng anh Hà. Người đàn ông 46 tuổi lau nước mắt nói gia đình vốn đã nghèo, giờ con lại mắc căn bệnh cần cả tỷ bạc để chạy chữa gia đình như rơi xuống vực sâu. Ban ngày để con không lo lắng anh chị cố kìm chế cảm xúc, tươi cười động viên con. Khi đêm về nước mắt không cầm được, anh chị ôm nhau khóc.
“ Nam là con trai út trong nhà, mới có 4 tuổi thôi, còn quá nhỏ để chịu những cơn đau đớn của bệnh tật hành hạ ”, anh Hà nói.
Thời gian truyền hóa chất lâu, ở nhà còn hai con gái và mẹ già, anh Hà để vợ chăm sóc Nam, còn bản thân về quê chăm sóc gia đình, lo tiền chạy chữa cho con. Tuy nhiên về đến nhà anh chẳng làm nổi việc gì, tự nhốt mình trong phòng không gặp một ai.
Hai tháng trôi qua, Nam cũng hoàn thành đợt truyền hoá chất đầu tiên trở về. Con trai về nhà nhưng chẳng ai vui nỗi, vì án tử ung thư vẫn treo trên đầu cậu bé.
Người bố 46 tuổi sợ sẽ mất con vì gia đình chẳng còn tiền chạy chữa. (Ảnh minh hoạ)
Căn nhà tạm dựng bằng gỗ chẳng còn gì bán được, số nợ cũ chưa trả lại sắp đến đợt truyền hoá chất tiếp theo. Vợ chồng anh Hà tuyệt vọng đến mức phải họp gia đình, gửi hai con gái đứa sang nội, đứa sang ngoại nhờ anh em nuôi hộ.
Hai con gái 9 và 13 tuổi chưa hiểu chuyện gì, chỉ nghe thấy bố mẹ muốn mang gửi đã khóc toáng lên. Nhìn con mình dứt ruột đẻ ra khóc sưng cả mắt, anh chị cũng chỉ biết ôm con khóc theo.
“Con xin bố mẹ đừng gửi hai chị em con đi” , nghe con gái đầu vừa khóc vừa xin, tim anh hà như vỡ ra từng mảnh. Vợ chồng anh quyết định giữ các con lại rồi cùng nhau nghĩ cách.
Nhà nằm ở khu vực hàng năm bị ngập lụt nên gia đình chỉ cấy hái được một mùa. Có 2,5 sào ruộng, vợ chồng anh Hà thuê thêm 8 sào nữa trồng lúa.
“Mỗi vụ gia đình tôi lãi được 7 triệu tiền bán lúa sau khi trừ chi phí giống, thuốc trừ sâu ”, anh Hà nói. Thời gian không phải đi viện, anh tranh thủ đi phụ hồ, có tháng cũng kiếm được thêm 2-3 triệu đồng. Con gái đầu của anh chị tuy tuổi nhỏ nhưng hiểu chuyện, mỗi mùa nghỉ hè lại xin đi bán hàng thuê lấy tiền phụ bố mẹ thuốc thang cho em. Tuy nhiên số tiền cả nhà kiếm ra không thấm vào đâu so với tiền thuốc chi trả cho Nam.
“Dù có bảo hiểm chi trả, nhưng những lần hết thuốc gia đình phải bỏ ra mua thuốc ngoài hết cả 90, 100 triệu” , người bố nói. Số nợ của gia đình đã lên tới 300 triệu, sổ đỏ trong nhà cũng đã mang cầm cố ngân hàng.
Căn nhà anh Hà ở quê được dựng tạm sau trận lũ, trong nhà chẳng còn gì giá trị. (Ảnh NVCC)
Chị Mến theo Nam được đợt truyền hoá chất đầu tiên thì không chịu được cảnh con kêu la đau đớn, anh Hà phải bỏ việc ra viện thay vợ. Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày bố con anh ăn chia nhau suất cơm từ thiện.
Hơn một năm đầu, bé Nam trải qua 5 lần truyền hóa chất. Từ một người chỉ biết trồng lúa nay anh Hà nhớ tên, liều lượng của từng loại thuốc vào người con chẳng khác gì một bác sĩ. Không phụ công bố, au một năm điều trị bệnh tình của Nam chuyển biến tốt. Từ giữa năm 2021 đến đầu 2022, em tiếp tục phác đồ 24 lần đi viện duy trì. Được xác định bệnh đã lui, cứ định kỳ một tháng em mới tái khám một lần. Từ đó gia đình cũng bớt vất vả vì thời gian đi viện ngắn, chi phí không nặng.
Nam lại sốt, mệt, rồi không đi được, anh Hà vội bế con ra Hà Nội. Đó là đêm kinh hoàng nhất cuộc đời anh. 12h đêm cả phòng đang say ngủ, Nam nói muốn đi vệ sinh, chưa kịp đỡ con dậy anh nghe con thều thào nói " Bố ơi con không trụ được nữa" . Nam ngã quỵ, mắt trắng dã, người co lại. May mắn bác sĩ cấp cứu kịp thời, cậu bé qua cơn nguy hiểm.
"Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi ấy, tôi nghĩ mình đã mất con rồi ", anh nói.
Bệnh tái phát, Nam ngoài truyền hoá chất phải kết thêm phương pháp xạ trị, chi phí lại độn lên cao. Gia đình chẳng còn gì có thể bán hay chỗ nào để vay. Anh Hà chẳng biết mình có thể chạy chữa cho con đến ngày khỏi bệnh.
"Nam hiểu chuyện, luôn động viên tôi đừng lo, dù thế nào cũng sẽ cố gắng sống để xây nhà cho bố mẹ rồi mới đi" , anh Hà khóc khi nói về ước mơ của con trai.
Theo ông Phạm Tiến Tường, trưởng thôn 2, xã Sơn Long, gia đình anh Hà thuộc hộ khó khăn nhất thôn, nhà cửa được dựng tạm bợ. Vợ anh Hà bị teo cơ tay, sức khỏe yếu, con mắc bệnh hiểm nghèo.
Mọi đóng góp của quý độc giả xin gửi về:
Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ anh Phạm Hồng Hà - Hà Tĩnh
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/uoc-mo-xay-nha-cho-bo-me-cua-cau-be-8-tuoi-bi-ung-thu-mau-a58097.html