Ngày 30/5, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, địa phương vừa ghi nhận một trường hợp phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải nấm rừng.
Bệnh nhân này là Y.Đ.W.P (36 tuổi, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Theo đó, ngày 24/5, anh P. đi ra rẫy làm cỏ. Tại đây, anh P. có hái một số nấm mọc ở rẫy về nhà để nấu ăn. Sau khi ăn, anh P. có biểu hiện đau bụng. Đến 15h cùng ngày, anh P. tiếp tục có các triệu chứng nôn ói nên được vợ cho uống thuốc.
Đến ngày 26/5, anh P. đau bụng dữ dội nên được vợ đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để điều trị. Tại đây, các bác sĩ xét nghiệm và thấy tình trạng bệnh nhân biểu hiện nặng nên yêu cầu người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.
Anh P. nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với các triệu chứng nôn ói, đau bụng. Sau khi làm thủ tục nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm không rõ loại, nhiễm trùng tiêu hóa, tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn, tăng huyết áp. Anh P. được êkip của bệnh viện tiến hành lọc máu gấp.
Hiện các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân này.
Trước đó vào ngày 26/5, Khoa Khám cấp cứu - Trung tâm Y tế huyện Di Linh tiếp nhận 49 bệnh nhân này với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu.
Qua khai thác thông tin, các bệnh nhân cho biết, xuất hiện các triệu chứng trên là do đi ăn tiệc cưới tổ chức tại nhà bà Ka Dạo (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) vào trưa ngày 25/5. Tổng cộng có khoảng hơn 500 người ăn tiệc cưới thì có 49 người có triệu trứng ngộ độc và phải nhập viện.
Sau khi được cứu chữa kịp thời, đến nay đã có 19 người được xuất viện, sức khỏe hoàn toàn bình thường, còn 30 bệnh nhân còn lại đã tỉnh táo, không còn đau bụng nhiều, sức khỏe tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào nặng.
Cùng ngày 26/5, Trung tâm Y tế huyện Di Linh và Trạm Y tế xã Sơn Điền (huyện Di Linh) cũng đã tiếp nhận 15 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn ói, tiêu chảy, tức ngực, trong đó có ó 2 bệnh nhân bị co giật nhẹ.
Khai thác thông tin, các bệnh nhân này cho biết, bị các triệu chứng trên vì ăn nấm rừng, loại có màu xám do gia đình ông K'Bet (xã Sơn Điền) đi hái trên rừng về và chia cho các gia đình lân cận cùng ăn. Sau khi ăn khoảng hơn 30 phút thì có các triệu chứng như trên và phải đến cơ sở y tế. Đến hết 29/5, đã có 11 bệnh nhân được xuất viện, số bệnh nhân còn lại đang được theo dõi nhưng sức khỏe đã ổn định, không còn đau đầu, đau bụng dữ dội.
Sau khi xảy ra hai vụ ngộ độc, cơ quan chuyên môn ở Lâm Đồng đã tích cực vào cuộc. Hiện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng đang phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan đang làm rõ nguyên nhân.
Qua hai vụ ngộ độc, các y bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm hay rau rừng chưa rõ nguồn gốc. Thực tế, nhiều loại nấm hay các loại rau mọc hoang dại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.
Ông Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, trước sự việc ngộ độc nấm rừng lần này, Chi cục sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương có phương án cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên tự hái nấm rừng về ăn. Đặc biệt, trong mùa mưa, các loại nấm rừng đang mọc rất nhiều.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội, nhóm facebook đang xuất hiện "trend" thu hoạch nấm rừng thông ở thành phố Đà Lạt. Các loại nấm với nhiều màu sắc sặc sỡ, thu hút rất nhiều bạn trẻ là người địa phương, du khách đi trải nghiệm hái nấm, chụp hình, quay clip sống ảo để tung lên mạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc như vụ việc nêu trên.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, VTC News)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhieu-nguoi-o-dak-lak-lam-dong-nhap-vien-khan-cap-sau-khi-an-nam-rung-a57973.html