Du lịch chờ giao thông mở đường: Nơi đông khách, chỗ lúng túng

Dịp nghỉ lễ, do biến động về giao thông nên số lượng du khách tại các điểm đến cũng thay đổi bất ngờ.

Cao tốc khánh thành, khách du lịch nô nức

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe vào đúng dịp lễ 30/4 góp phần đẩy số lượng du khách đến nghỉ lễ tại Phan Thiết, Bình Thuận tăng cao. Trước lễ, theo ghi nhận, các cơ sở lưu trú nằm trên tuyến trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né và khu vực Nam Phan Thiết đều đã kín phòng gần cả tháng.

Anh Nguyễn Quốc Bảo, ngụ Tp.HCM hào hứng chia sẻ: “Dịp 30/4 vừa qua gia đình tôi quyết định ra Phan Thiết tắm biển, vui chơi nghỉ dưỡng 3 ngày. Cao tốc thông xe tiết kiệm thời gian di chuyển, mọi người sẽ thấy thoải mái hơn nhiều vì trước đây di chuyển qua Quốc lộ 1A mất rất nhiều thời gian nên chúng tôi rất ngại đi vào những ngày lễ”.

Huyện đảo Phú Quý (cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km) - điểm đến mới nổi được đông đảo người trẻ lựa chọn khám phá, check-in - lượng khách năm nay đông kỷ lục. Trong 3 ngày lễ đầu, tình trạng du khách “đội” nắng, xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh không quá xa lạ.

Tiêu dùng & Dư luận - Du lịch chờ giao thông mở đường: Nơi đông khách, chỗ lúng túng

Các điểm đến du lịch tại Bình Thuận thu hút khách nhiều hơn dịp 30/4 vừa qua.

Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, lượng khách đến Bình Thuận đa số là khách nội địa đến từ Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Lâm Đồng…

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết, sự kiện cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 29/4, cùng chuỗi hoạt động sôi nổi xuyên suốt trong năm Du lịch quốc gia, đã làm cho ngành du lịch Bình Thuận sôi động hơn. Đó cũng là nguyên nhân khiến du khách đến Bình Thuận nghỉ lễ năm nay tăng gấp đôi so với 2022.

Vừa qua, toàn tỉnh Bình Thuận đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với 80.000 lượt khách cùng kỳ năm 2022; công suất phòng bình quân khoảng 70-90%, doanh thu du lịch khoảng 230 tỷ đồng.

Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung rất đông ngày 29/4-1/5. Các khách sạn 1-2 sao và tương đương đạt công suất phòng khoảng 80-90%; các resort 3-5 sao và tương đương công suất phòng đạt xấp xỉ 95-100%.

Bên cạnh nhóm khách gia đình, cũng có số lượng du khách ít hơn đi theo tour đến Phan Thiết - Bình Thuận qua các công ty lữ hành. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực để phục vụ du khách; giá các loại dịch vụ, giá phòng tăng 20-40%, giá hải sản tăng theo thời vụ.

Vé máy bay đắt đỏ, khách sạn trống phòng

Đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) từng tạo “cơn sốt” du lịch từ sau đợt Tết Âm lịch năm 2022 kéo dài cho đến dịp lễ 30/4-1/5 cùng năm, song lễ năm nay tụt lại trên đường đua. Lượng khách đến tỉnh Kiên Giang nói chung và đảo Phú Quốc nói riêng có phần sụt giảm.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, trong 5 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón gần 265.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi Người Đưa Tin, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận định vé máy bay tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến Phú Quốc không còn hấp dẫn trong mắt du khách.

Còn ông Trương Công Tâm, Chủ tịch hội hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Tp.Phú Quốc cho biết: “Tính sơ sơ Hà Nội – Phú Quốc thì giá vé hơn 8 triệu 1 lượt khứ hồi. Đây là một trở ngại rất khó cho du khách muốn đi Phú Quốc vì giá vé 8 triệu cộng với dịch vụ 4 ngày 3 đêm trên đảo 3 sao thôi thì giá tour 1 người đội lên khoảng tầm 13-14triệu/du khách, cao hơn đi nước ngoài rất nhiều. Hiện nay tour đi Thái lan, Malaysia, Singapore và Campuchia 5 ngày 4 đêm chỉ tầm 9 triệu trở lại”.

Giữa doanh nghiệp làm du lịch và các hãng hàng không vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thương lượng giá vé. Từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp lữ hành đã chịu tác động rõ rệt từ vé máy bay, lượng khách bắt đầu có chiều hướng không tăng trưởng, thậm chí, một số giai đoạn hơi chậm so với những năm trước.

Tiêu dùng & Dư luận - Du lịch chờ giao thông mở đường: Nơi đông khách, chỗ lúng túng (Hình 2).

So với các năm trước, số lượng khách du lịch đến Phú Quốc dịp 30/4 vừa qua không như kỳ vọng.

Tương tự, từng là điểm đến thu hút du khách vào các kỳ nghỉ lễ, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng giảm sức hút với du khách nội địa vì giá vé máy bay tăng vọt vào dịp lễ năm nay.

Ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Chi hội Khách sạn tỉnh Khánh Hòa, cho biết, đến nay, toàn tỉnh có hơn 55.000 phòng của 1.169 cơ sở lưu trú. Dù ngành du lịch, các cơ sở lưu trú, khách sạn đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng dự báo, đợt nghỉ lễ này công suất phòng tại các khách sạn trên địa bàn chỉ đạt 50-60%.

Bà Trần Lâm Phương, Trưởng phòng kinh doanh khách sạn Sun Kiss cho hay: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Nha Trang giảm sức hút du khách là do vé máy bay tăng cao, nên hạn chế lượng du khách đi du lịch xa. Khách lui tới khách sạn chủ yếu là khách lẻ và các nhóm khách gia đình. Khách sạn gần như vắng bóng khách đoàn”, bà Trần Lâm Phương lý giải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoan, Giám đốc kinh doanh khách sạn Comodo Nha Trang chia sẻ, ngoài giá vé máy bay tăng, số lượng khách sạn tại Nha Trang hiện rất nhiều dẫn đến tình trạng dư phòng.

Ông Hoan cho rằng, du khách không còn quá lo lắng về tình trạng hết phòng khi đến Nha Trang du lịch vào ngày lễ như những năm trước. Dù giá vé máy bay các ngày gần đây có dấu hiệu giảm, nhưng do sát ngày lễ nên không cải thiện số lượng khách vì họ đã sắp xếp chương trình khác.

Cần đầu tư chuỗi liên kết

PGS.TS Phạm Hồng Long, chuyên gia du lịch nhận định, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch khó chinh phục hơn so với mục tiêu về lượt khách.

“Khách có xu hướng du lịch nhiều nhưng cũng chắt bóp hầu bao chi tiêu. Giá cả dịch vụ tăng, chi phí đi lại đắt đỏ là trở ngại”, ông Long nói.

Đối với ngành du lịch, khó khăn lớn nhất sau đại dịch là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ gồm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm... Sự lớn mạnh của chuỗi cung ứng du lịch phụ thuộc phần nhiều vào các doanh nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp và hiệp hội du lịch các địa phương cần được chú trọng.

Nhà nước hỗ trợ về chủ trương, chính sách, tập huấn, đào tạo. Các bên cung ứng nên ngồi lại với nhau, thông tin cần được trao đổi đa chiều để thúc đẩy chuỗi cung ứng, xem xét mảng nào đang mạnh, đang yếu.

Liên kết chuỗi cung ứng thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng dễ nhìn thấy nhất ở gói dịch vụ (combo) vận chuyển - lưu trú - ăn uống. Các gói dịch vụ này đang được khách ưu tiên lựa chọn nhờ ưu thế vừa tiện, vừa rẻ, tạo cho khách hàng sự linh hoạt trong hành trình.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, xu hướng chung hiện nay là vừa thắt chặt chi tiêu vừa thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng với tổng chi tiêu ít hơn nhưng tận hưởng tối đa dịch vụ. Đó là thách thức lớn của doanh nghiệp.

“Kỳ nghỉ lễ năm nay vẫn đông đúc, tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề của du lịch Việt Nam là mùa vụ. Có thể đợt 30/4 - 1/5 này rất đông hoặc bình thường cuối tuần thì nhộn nhịp, nhưng ngày thường, giữa tuần rất vắng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phục vụ, hoạt động chung của tất cả các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành du lịch, từ đơn vị cung cấp phòng ốc, tour đến hãng hàng không…”, ông Siêu nói.

Nói về giải pháp kích cầu du lịch trong nước ra sao khi xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài thay vì các điểm trong nước ngày càng phổ biến, ông Siêu cho rằng, cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đặc biệt là khai thác quảng bá trên nền tảng số.

“Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hợp tác, liên kết chuỗi giá trị từ vận tải, hàng không đến khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan để tạo ra sự kết nối tối ưu. Điều quan trọng, doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi mới, thích ứng, đổi mới hoạt động, tái đầu tư để tạo ra sản phẩm, điểm đến mới”, ông Siêu chỉ ra.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày, cả nước ước tính đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó, hơn 300.000 khách quốc tế, khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong số 7,3 triệu lượt khách có 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%.

“Do lượng khách tăng cao nên vẫn còn hiện tượng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Tại một số điểm còn xảy ra hiện tượng hủy lịch trình, hủy dịch vụ, chất lượng phục vụ tại một số điểm du lịch chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng”, báo cáo nêu.

 

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/du-lich-cho-giao-thong-mo-duong-noi-dong-khach-cho-lung-tung-a57339.html