Quý 1 tăng trưởng 10%
Theo báo Công Thương, trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm xuất khẩu thì ngành hàng rau quả là một trong những điểm sáng. Quý 1/2023, xuất khẩu rau quả tăng trưởng 10%.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group – cho biết, những tháng đầu năm xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu tốt, khi đơn hàng liên tục tăng lên. Tại thị trường Hoa Kỳ, đơn hàng của doanh nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU vẫn duy trì.
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, cuối năm 2022, doanh nghiệp đã ký với doanh nghiệp đối tác tại thị trường này xuất khẩu 1.500 container sầu riêng. Đơn hàng sẽ được cung cấp trải đều trong cả năm. “Mặc dù nhiều dự báo trước đó về vấn đề lạm phát, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu sụt giảm, tuy nhiên, tín hiệu thị trường xuất khẩu đầu năm lại rất tốt”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, quý I/2023 xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), việc Trung Quốc ngưng chính sách Zero Covid-19 và mở cửa thêm một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu rau quả sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này đồng thời tạo thuận lợi cho ngành rau quả khi năm qua Việt Nam đã ký Nghị định thư về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang thị trường này.
Cũng chính vì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời giá nguyên liệu cũng tăng lên, một số mặt hàng tăng giá mạnh như sầu riêng, thanh long,... điều này khiến cho thị trường các loại trái cây này tại Việt Nam sôi động hơn hẳn.
Cũng từ hoạt động nhập khẩu trái cây mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nhiều cửa khẩu của Việt Nam cũng mở rộng giờ hoạt động đến 22h mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD - ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Dự kiến xuất khẩu rau quả đạt 4 tỷ USD
Theo Kinh tế & Đô thị, nhận định năm 2023 hoạt động xuất khẩu rau quả có nhiều thuận lợi, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế đang có để tạo sức bật cho ngành rau quả, nhất là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng rau quả của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả Việt trên thị trường quốc tế.
Năm 2022, nhiều loại trái cây tươi như chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, bưởi, chanh của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand; nhãn tươi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.
Với những lợi thế như vậy, ngành rau quả đề ra mục tiêu, năm 2023 tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022 và dự kiến xuất khẩu rau quả có thể đạt giá trị tới 4 tỷ USD.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp thị trường xuất, nhập khẩu giữa hai quốc gia dần sôi động trở lại. Song Trung Quốc hiện tại đã có những quy định rất mới và khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu nên doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi quay lại thị trường quan trọng này.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn phân tích, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Về những giải pháp cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ đã xác định tập trung cao độ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, khai thác tối đa mọi cơ hội để xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, khoai lang, tổ yến.
Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, thiết lập những đường dây nóng để trao đổi trực tiếp khi phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm sang những hội chợ, triển lãm lớn, chuyên ngành tại Trung Quốc.
Song song với đó là đón các đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, đối tác và nhà cung cấp. Điều này cũng góp phần tận dụng tối đa mọi cơ hội khi thị trường Trung Quốc được hồi phục trở lại.
Đào Vũ (T/h)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lay-lai-da-tang-truong-xuat-khau-rau-qua-hua-hen-mot-nam-boi-thu-a57335.html