“Chỉ cần một chiêu trò là lựa chọn được nhà thầu thân quen”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. Thực tế có những trường hợp gói thầu giá trị rất cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp.

Ý kiến được Đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5.

Lo doanh nghiệp giữa chừng “suy dinh dưỡng”

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng phải đấu thầu và không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. Thực tế có những trường hợp gói thầu giá trị rất cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp.

“Chỉ cần một chiêu trò là lựa chọn được nhà thầu thân quen” - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

“Nếu muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì đã có những phương pháp rất cụ thể, rành mạch. Chỉ cần một chiêu trò, chi tiết nhỏ thôi là loại hồ sơ của nhà thầu khác ra, lấy nhà thầu thân quen. Theo tôi biết một số đơn vị, địa phương mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp” – ông Phạm Văn Hoà nói và đề nghị xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu như thế nào cho hiệu quả.

Đề cập chỉ định thầu, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết, hiện nay một số chủ đầu tư không dám chỉ định thầu mà tổ chức đấu thầu thuận lợi, dễ dàng hơn. Bởi, nếu nhà thầu khi tổ chức chỉ định thầu, lúc chọn hồ sơ rất tốt, nhưng giữa chừng doanh nghiệp đó “bị suy dinh dưỡng” thì dự án không đạt được hiệu quả. Lúc đó có khi lại quy trách nhiệm cho chủ đầu tư chỉ định doanh nghiệp thân quen. Do đó cần xem xét lại những trường hợp này để giải quyết.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị làm rõ hơn các hành vi tại điều cấm, như thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận và cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

Theo nữ đại biểu, hiện nay các hành vi gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, không xử lý được do chưa có quy định cụ thể. Do đó, việc quy định, hướng dẫn cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Liên quan hồ sơ mời thầu, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) dẫn dự thảo quy định, một trong những tiêu chí là uy tín của nhà thầu thông qua việc tham gia dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng của hàng hóa tương tự đã sử dụng. Theo quy định này, những nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện nhiều hợp đồng trước đó sẽ có lợi thế hơn.

“Chỉ cần một chiêu trò là lựa chọn được nhà thầu thân quen” - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính

Tuy nhiên, ông cho rằng, để hoạt động đấu thầu thực sự minh bạch, có hiệu quả, cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu, không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm mà hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu.

“Kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu. Còn hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá cả gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể cơ sở tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu” – đại biểu đề xuất.

“Vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu chính từ giá gói thầu”

Đề cập về giá gói thầu, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho rằng “trong thời gian qua những vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu cũng chính từ giá gói thầu”.

Bà cho biết, giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập.

“Chỉ cần một chiêu trò là lựa chọn được nhà thầu thân quen” - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà

Một trong những phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá. Phương thức này đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 22 dự thảo Luật Giá vừa trình Quốc hội ngày và các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02, số 08.

“Vì phương pháp lấy 3 báo giá mà hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng không đảm bảo giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu” – nữ đại biểu nói.

Trong dự thảo không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu, bằng Nghị quyết 30, Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về giá gói thầu, trang thiết bị y tế, tuy nhiên nhiều nội dung trong dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn còn vướng mắc.

“Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) để điều chỉnh các nội dung về giá nhưng không có quy định về giá gói thầu. Tôi đề nghị cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này” – bà Hà kiến nghị.

Dẫn quy định "việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân", đại biểu đánh giá quy định này là rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định tại Luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Hay "chỉ định thầu được áp dụng cho gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, do yêu cầu về giải pháp công nghệ", bà Nhị Hà cho là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo luật này cũng thể hiện "đàm phán giá được áp dụng với các gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất".

“Như vậy, với gói thầu chỉ có duy nhất 1 hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu? Luật cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu, để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật, bởi vì 2 hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu rất khác nhau” – bà Nhị Hà đặt vấn đề.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn khoản 1 Điều 61 về điều kiện được xem xét đề nghị trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp, trong đó Điểm e quy định "có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt".

“Chỉ cần một chiêu trò là lựa chọn được nhà thầu thân quen” - Ảnh 4.

Đại biểu Dương Tấn Quân

Ông đề nghị cần phải làm rõ giá đề nghị trúng thầu là bao gồm tất cả các khoản chi phí và thuế của gói thầu, không xét đến giá của từng loại hàng hóa trong gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt quá giá dự toán đã được phê duyệt, nhưng có một số loại hàng hóa trong gói thầu thì cao hơn giá đã được phê duyệt, nếu chiếu theo quy định trên thì vẫn hợp lệ, có thể xem xét là trúng thầu.

“Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu, so sánh với giá nhập khẩu để xác định mức độ tăng giảm của từng loại hàng hóa và làm căn cứ để xác định mức gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, giá đề nghị trúng thầu do doanh nghiệp tự quyết định hiện nay là chưa có quy định về kiểm soát giá trần đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ thuê tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp. Đây là một trong những điều bất cập trong thời gian qua” – ông Dương Tấn Quân phản ánh và đề nghị giải thích cụm từ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào để thực hiện thống nhất./.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/chi-can-mot-chieu-tro-la-lua-chon-duoc-nha-thau-than-quen-a57117.html