Lý do bỏ giá sàn trong dịch vụ hàng không
Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến cho rằng không nên áp dụng giá trần. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết.
Bởi, trên cơ sở tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.
Ngoài ra, về tác động thực tế, thực chất việc bỏ giá sàn không gây tác động đến các doanh nghiệp hàng không do trong các năm qua, giá sàn trong khung giá được quy định bằng 0, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải.
Về tác động đối với thu ngân sách Nhà nước, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động; từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, theo đó tăng thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc giữ quy định giá trần là cần thiết vì, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật thì dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ.
Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phân định rõ vướng mắc do tổ chức thực hiện hay do pháp luật. Theo quy định hiện hành, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thẩm quyền điều chỉnh khung giá đã được giao cho Chính phủ.
Nếu giá khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của Luật.
Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh.
Thời gian qua, nhiều hãng hàng không thua lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
"Mức giá 0 đồng"chưa gồm thuế, phí
Có ý kiến đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định tại pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định "mức giá 0 đồng".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành thì các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với thương mại quốc tế (giữa các quốc gia). Do vậy, không có mối quan hệ với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Về mối quan hệ giữa Luật Giá với Luật Cạnh tranh khi có hãng hàng không định "mức giá 0 đồng", thực chất không có vé máy bay giá "0 đồng" vì Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho một vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định.
"Mức giá 0 đồng" là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá "vé 0 đồng" như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Thông tư 17/2019 cũng quy định việc tính giá; theo đó giá phải đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của từng chuyến bay". Dự thảo Luật quy định nguyên tắc định giá phải: "Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường".
Thực tế, các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.
Mặt khác, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì phải căn cứ trên toàn bộ chi phí của từng chuyến bay và mức giá bình quân vé máy bay, không phải chỉ tính trên các mức giá vé đơn lẻ.
Đây là vấn đề thuộc khâu tổ chức thực hiện. Như vậy, pháp luật về giá và Dự thảo Luật thể hiện rõ quan điểm không cho phép các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-thuc-chat-khong-co-ve-may-bay-gia-0-dong-a56971.html