Người lao động vẫn chưa an cư lạc nghiệp

Hiện hạ tầng các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở, văn hóa của người lao động và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Hạ tầng xã hội khu công nghiệp chỉ chú trọng lợi ích kinh tế

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nước ta hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Cùng với sự hình thành của ngày càng nhiều các khu công nghiệp, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động tại đây, hạ tầng xã hội khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp”.

nguoi lao dong van chua an cu lac nghiep
Nguồn cung nhà ở cho công nhân đang thiếu hụt lớn

Việc đầu tư nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, chưa mang tính đồng bộ, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…

Theo ông Hoàng Quang Phòng: “Thực tế cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động”.

Thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.

TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết. Hình ảnh đoàn người “di cư” khỏi các trung tâm kinh tế đã cho thấy những vấn đề liên quan nơi ở, chưa thể “an cư lạc nghiệp”, nên khi biến cố xảy ra, các vấn đề về an sinh, phúc lợi không đảm bảo thì hệ quả này là điều tất yếu.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, trong khi nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn.

Đề xuất cơ chế, chính sách để “mở đường”

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2.

Không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại trong các khu công nghiệp đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.

Hiện nay phần lớn công nhân, người lao động sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng tự phát, không đảm bảo môi trường sinh hoạt tối thiểu và sức khỏe cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng còn nhiều hạn chế, rất khó khăn.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, nút thắt lớn nhất hiện nay trong việc phát triển nhà ở cho công nhân là nhà đầu tư và quỹ đất sạch. Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tuy nhiên trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Ông Phạm Hồng Điệp cho biết, thiếu hụt quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân là vấn đề đang tồn tại. Mặc dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 665 phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng tại nhiều địa phương quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp chưa có sẵn để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.

“Đặc biệt, thực tế cho thấy, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư”, ông Phạm Hồng Điệp chia sẻ.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, các cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc, các độ vênh giữa quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này.

Như cơ chế chính sách ưu đã chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia. Các cơ chế chính sách này thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, như vậy, chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này.

Để giải bài toán nhà ở công nhân, ông Phạm Hồng Điệp cho rằng Bộ Xây dựng cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chấp nhận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng số tiền lên tới 65.000 tỷ đồng.

Theo ông Hà Quang Hưng, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.

Hải Yến

Nguồn thoibaonganhang.vn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nguoi-lao-dong-van-chua-an-cu-lac-nghiep-a5300.html