Giai đoạn 1 từ đầu tháng 10 đến hết tháng 10 TP sẽ mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh. Du khách đang sinh sống và làm việc tại TPHCM có thể tự đi du lịch, hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 sẽ đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Giai đoạn này, hoạt động lưu trú sẽ cho phép công suất tối đa 70%, và xem xét mở thêm một số dịch vụ như ăn uống tại chỗ, spa...
Giai đoạn 3 sẽ khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TPHCM, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi, bắt đầu từ đầu 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, trước mắt, UBND TPHCM giao Sở Du lịch phối hợp với TP Thủ Đức, các quận huyện tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.
Ngành du lịch chủ động kết nối các tỉnh thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. Phát huy hiệu quả liên kết thành công với hơn 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020, để nối lại và tái khởi động, trước hết tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh thành để kết nối tour khép kín và bảo đảm thống nhất tiêu chí an toàn giữa các tỉnh thành.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong 2 năm (2020 và 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt. Khách nội địa giảm 34%, đạt 56 triệu lượt. Năm 2020, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%, chỉ đạt 312.200 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu từ khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành đã chiếm trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép. Hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Với lĩnh vực kinh doanh lưu trú - chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam, cũng đang phải đóng cửa khoảng 90%, và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. |
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/du-lich-da-khoi-dong-tro-lai-bat-dau-tu-vung-xanh-a5244.html