Thị trường bất động sản đang chuẩn bị sốt cục bộ trở lại?

Thông tin nới lỏng giãn cách tại một số tỉnh thành đã khiến thị trường bất động sản đang sôi động trở lại. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu trong thời gian tới, cơn sốt đất cục bộ sẽ có xảy ra?

Thông tin Hà Nội và TP.HCM nới lỏng giãn cách đã trở thành tín hiệu tích cực, "phá băng" cho thị trường địa ốc sau khoảng thời gian kéo dài. Khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động giao dịch bắt đầu rục rịch sôi động trở lại.

Báo cáo của batdongsan.com.vn mới đây đã ghi nhận, lượng quan tâm bất động sản ngay thời điểm sau giãn cách đã tăng. Cụ thể, bắt đầu từ trung tuần tháng 9/2021, mức độ quan tâm bất động sản của người dùng trên cả nước có dấu hiệu phục hồi trở lại. Xu hướng tìm mua nhà đất tăng trưởng gần 55% so với tháng 8 trước đó. Cũng trong thời điểm này, TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm tăng 35% trong khi Hà Nội cũng tăng hơn 50%.

Tại Hà Nội, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, mức độ quan tâm chung cư, đất thổ cư tăng trong tháng 9/2021. Cụ thể, lượng người tìm kiếm ở phân khúc đất nền trong tháng 9/2021 tăng 2% so với tháng 8/2021, lượng người tìm kiếm chung cư trong tháng 9/2021 tăng 7% so với tháng 8/2021.

Một chia sẻ thú vị mới đây của Chủ tịch FLC ông Trịnh Văn Quyết trong một tọa đàm tọa đàm trực tuyến trên VnExpress với chủ đề: "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" cũng cho thấy thị trường đang rất sôi động.

Theo ông Quyết, "khi hết giãn cách ở Hà Nội, các giao dịch trở nên sôi động, diễn ra cả ban đêm, tình trạng này trong lúc dịch bệnh không diễn ra. Nhiều người trực tiếp đến các dự án bất động sản của FLC, đây là tín hiệu đáng mừng". Vị lãnh đạo doanh nghiệp này dự báo quý IV thị trường bất động sản sẽ "cực kỳ khởi sắc", tạo tiền đề cho thị trường 2022.

Nhìn vào tín hiệu tích cực trên thị trường địa ốc ngay thời điểm sau giãn cách, không ít nhà đầu tư dự báo, sốt đất có thể xuất hiện và xảy ra cục bộ. Đặc biệt, trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ kinh tế cùng hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là nhân tố tạo nên sức nóng cho thị trường địa ốc.

Song, đánh giá chung về thị trường địa ốc, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc lại cho rằng, với tình hình hiện nay, khó có thể xảy ra những cơn sốt đất. Theo ông Hoàng, phải xét đến những yếu tố đầu vào cần và đủ để tạo nên sốt đất, ngoài ra còn có điều kiện môi trường. Trong khi hiện nay, đa số người dân bị ảnh hưởng thu nhập, nguồn tài chính bị tác động, ngay cả người có tiềm lực tài chính cũng rất thận trọng trong việc đầu tư. Thị trường thứ cấp đang "dậm chân tại chỗ" nên không thể tạo ra tác động cho những cơn sốt đất.

Dù nhận định sốt đất khó xảy ra nhưng ông Hoàng cho rằng, một số dự án có những yếu tố tích cực như: được hưởng lợi từ các công trình giao thông trọng điểm, quy mô bài bản, pháp lý đầy đủ, của các chủ đầu tư lớn, uy tín và có chính sách bán hàng hấp dẫn,… sẽ thu hút người có tiềm lực tài chính. Do vậy, thị trường địa ốc vẫn có sự sôi động nhất định.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí về câu chuyện sốt đất, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam thừa nhận, câu chuyện sốt đất không phải mới mà nó luôn diễn ra, thị trường đã trải qua không ít lần trong quá khứ.

Thế nên, ông Kiệt thẳng thắn cho rằng, việc những đợt sốt đất khác có diễn ra nữa hay không, câu trả lời chắc chắn là có, bởi bản thân nó là hiện tượng thường xuyên, luôn phổ biến, nhất là ở những khu vực đang có xu hướng phát triển hoặc những khu vực đang phát triển về hạ tầng hoặc có quy hoạch mới.

Ông Kiệt nhấn mạnh, việc sốt đất vốn dựa trên việc giá đất bị đẩy lên cao hơn với mặt bằng giá thực tế tại thời điểm giao dịch trong một thời gian ngắn, tần suất mua đi bán lại diễn ra liên tục, đẩy giá lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Hiện tượng này đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ, tương lai sẽ có thể diễn ra nữa.

Nguồn cafef.vn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thi-truong-bat-dong-san-dang-chuan-bi-sot-cuc-bo-tro-lai-a5222.html