Bất chấp đại dịch, dòng vốn FDI vẫn tăng mạnh

Bất chấp những thách thức do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, dòng vốn FDI vẫn tăng đều trong 9 tháng đầu năm 2021. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

“Đại bàng” FDI gia tăng vốn đầu tư tại Việt Nam

Với những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ). Trong 9 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm đến nay.

Tập đoàn Sam Sung liên tục gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Tập đoàn Sam Sung liên tục gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, rất nhiều tập đoàn nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam vẫn liên tục mở rộng hoạt động đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Nestlé Việt Nam, Tập đoàn này chính thức trở lại Việt Nam với việc thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vào năm 1995, hiện tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đã đạt 730 triệu USD. Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Nestlé vẫn tăng vốn đầu tư thêm 132 triệu USD cho dự án nhà máy tại Đồng Nai để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và châu Úc.

Tương tự Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2018 và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây. Đến nay Tập đoàn này đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện, Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Hiện bên cạnh đầu tư vào sản xuất, Samsung còn đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với quy mô vốn khoảng 220 triệu USD.

 Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - cho biết, trong tháng 4 và tháng 5/2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến Samsung gặp khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nên hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam vẫn ổn định. Dự báo, nếu nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh sớm đi vào hoạt động, thì năm 2021 Samsung sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu. “Samsung Việt Nam sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam” – ông Choi Joo Ho khẳng định.

Tăng niềm tin của nhà đầu tư

Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam nhận định, bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ tư này, dữ liệu trên cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. DN châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên cũng như kế hoạch đầu tư của họ ngay cả trong bối cảnh dịch bùng phát hiện nay.

Cùng quan điểm, ông Kenneth Atkinson, thành viên Hội đồng quản trị Hội DN Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, DN nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 của Việt Nam. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội DN Hồng Kông tại Việt Nam Michael Chiu, Việt Nam đang nằm trên bản đồ mở rộng đầu tư nhờ sự an toàn và ổn định của thị trường cùng kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận của nền kinh tế.

Năm 2021, Nestlé đầu tư thêm 132 triệu USD cho dự án nhà máy tại Đồng Nai .

Năm 2021, Nestlé đầu tư thêm 132 triệu USD cho dự án nhà máy tại Đồng Nai .

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng ta vẫn thu hút được tới 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và tính hiệu quả trong các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN và thu hút đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có 67% số DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh.

“Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư” - Thứ trưởng Ngọc khẳng định.

CHÂU ANH

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bat-chap-dai-dich-dong-von-fdi-van-tang-manh-a5208.html