Nhiều đơn hàng đã được đặt
Chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ tại chung cư Thái An 3 (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12) cho biết, trong 2 ngày 23 và 24-8, người dân sinh sống tại chung cư dễ dàng đặt mua hàng và nhận hàng tận nhà.
“Rau củ quả, thuốc uống… đều được chuyển đến đúng người nhận. Công an phường mua hàng, vận chuyển giúp bà con. Riêng người lớn tuổi, người già không rành công nghệ thì được một đồng chí công an ứng trước tiền mua giúp, gửi trả tiền sau. Thương yêu và trân quý lắm”, chị Nguyễn Thị Diễm bày tỏ.
Tuy vậy, không phải nơi nào việc đặt hàng cũng thuận lợi. Chị Ngô Thị Anh (ngụ đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận) phản ánh, việc đặt đơn hàng trong ngày 24-8 không dễ dàng. Cụ thể, dựa theo các gói bán hàng có sẵn (dạng combo), người dân gọi cho Bách Hóa Xanh đặt mua thực phẩm nhưng không được vì quá tải.
Chị Ngô Thị Anh nhận xét: “Các combo khá rõ ràng, thịt, cá, hải sản đều được liệt kê theo chủng loại, số lượng nên nhìn là ưng ngay, nhưng việc đặt hàng lại trầy trật. Vài ngày nữa hy vọng sẽ ổn”. Tương tự, anh Nguyễn Nam, ngụ tại chung cư Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân) phản ánh gia đình anh vẫn chưa nhận được hướng dẫn đặt mua hàng hóa của chính quyền địa phương hai ngày qua.
Ghi nhanh tại một số quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn…, các siêu thị đều lên sẵn combo hàng hóa để người dân tham khảo, đặt mua. Nhìn chung, các gói hàng khá cụ thể, mức giá không chênh lệch nhiều. Một số siêu thị còn ghi chú rõ ràng đây là thực phẩm loại gì, VietGAP, GlobalGAP hay hàng thường, để người dân dễ phân biệt, tránh thắc mắc hàng hóa đắt rẻ.
Anh Lê Văn Tam (ngụ tại đường Nguyễn Thị Căn, quận 12) cho hay: “Hôm trước tôi đọc được thông tin về combo mì gói, trứng giá khá cao. Trứng gà lên tới 4.000 - 5.000 đồng/quả, mì gói loại thường có giá 6.000 - 10.000 đồng/gói. Thế nhưng khi xem combo mà phường tôi cung cấp thì không có giá cao thế này”.
Bộ đội và dân quân đi chợ giúp dân ở phường Cô Giang, quận 1. Ảnh: LẠC PHONG
Đại diện siêu thị Satra Mart cho biết, đơn vị cung cấp sẵn các combo để người dân tham khảo. Gói hàng nào phù hợp túi tiền thì người dân mua. Người dân cũng có thể phản ánh thắc mắc của mình về sản phẩm, chất lượng hàng hóa để siêu thị kịp thời điều chỉnh phù hợp.
Nơi đắt hàng, nơi vắng khách
Chiều 24-8, thông tin từ hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC, Satra…, cho biết, lượng hàng tại đây hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đặt mua của khách hàng.
Theo hệ thống siêu thị BigC, doanh nghiệp này thông qua chính quyền địa phương (UBND phường, các hội đoàn thể...) đang tiến hành phân phối hàng hóa tại các siêu thị BigC, Topsmarket, GO! (thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam - sở hữu chuỗi siêu thị BigC) trên địa bàn TPHCM. Các gói thực phẩm được phân theo combo có cân đối đầy đủ dinh dưỡng cho khách hàng với đủ rau, củ, thịt, cá...
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, thông tin, siêu thị có thể cung ứng hàng hóa cho các ban ngành, đoàn thể liên quận nếu các đơn vị có nhu cầu.
Siêu thị Sài Gòn cũng đã chuyển combo và bảng báo giá đến Phòng Kinh tế quận 10. Căn cứ trên đơn hàng này, tổ tình nguyện của khu phố sẽ chuyển đơn hàng, thanh toán tiền cho cán bộ đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng (trước 9 giờ 30 hàng ngày) rồi chuyển về Phòng Kinh tế. Tương tự, tại quận Gò Vấp, khách có thể chọn mua hàng của các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Emart, Bách Hóa Xanh… trên địa bàn phường mình sinh sống.
Chẳng hạn, tại hệ thống Bách Hóa Xanh trên địa bàn phường 6, quận Gò Vấp, nhân viên siêu thị sẽ soạn hàng, sau đó giao theo đơn đặt qua ứng dụng Zalo hoặc app. Mỗi gia đình đặt hàng 1 lần/tuần và số hàng này được địa phương đến nhận rồi chuyển cho người dân.
Theo ghi nhận từ trang website của Bách Hóa Xanh, người mua có thể lựa chọn địa điểm cửa hàng cùng phường và tham gia vào nhóm Zalo của cửa hàng này. Người mua có thể chọn lựa sản phẩm và sẽ có nhân viên Bách Hóa Xanh giao đến tận nhà. Hiện nay, Bách Hóa Xanh đang có 8 combo để phục vụ khách hàng.
Thông tin ghi nhận từ một số siêu thị, hiện tại số lượng đặt mua thực phẩm của người dân tăng mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt từ ngày 23-8 đến nay. Do vậy, nhân viên siêu thị phải căng sức để phục vụ người dân.
Tại hệ thống BigC Miền Đông (Tô Hiến Thành, quận 10), lượng hàng bán ra trong 2 ngày 23 và 24-8 tăng đáng kể so với ngày bình thường. Thế nhưng, một siêu thị khác cũng trên địa bàn quận 10 tiết lộ, đơn hàng mua hộ của người dân rất ít, hàng hóa nhiều nhưng chưa ai mua.
“Cả ngày 23-8 có chưa tới 60 đơn hàng trị giá vài triệu đồng. Sức mua giảm mạnh so với thời điểm cách đó vài ngày”, đại diện một siêu thị tại quận 10 nhận xét.
Theo ông Nguyễn Văn Hây, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp (quận 12), cả 2 ngày 23 và 24-8, trên địa bàn phường chỉ nhận tổng cộng 60 đơn hàng đi chợ giúp từ người dân gửi đến.
Lý giải số đơn hàng ít ỏi, ông Hây cho rằng trước đó người dân đã tranh thủ đi chợ, ngoài ra hiện nay người lao động bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập nên chi tiêu cũng “nhìn trước ngó sau”, tiết kiệm hơn ngày thường.
Sau một ngày triển khai việc đi chợ giúp dân, nhiều hộ dân đã đặt và nhận được combo thực phẩm do các khu phố phát phiếu. Tuy nhiên, mỗi địa phương thực hiện mỗi cách khác nhau. Đơn cử, cùng quận Tân Phú, phường Hòa Thạnh phát tờ giấy gồm 6 combo nhưng chỉ có gia vị, nông sản trứng, sữa, gạo mà không có thịt các loại, thủy hải sản… GIA HÂN - VĂN DIỆU
|
Đề nghị thí điểm “túi an sinh combo nông sản” giá bình dân
VĂN PHÚC
|
THI HỒNG - LẠC PHONG
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/di-cho-giup-dan-them-su-an-tam-de-ai-o-dau-o-yen-do-a5113.html