Cùng tham gia có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Lê Tiến Dũng, chuyên gia hô hấp; PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia về y học cổ truyền.
Bí thư Thành ủy TPHCM thăm, động viên F0
Tại Bệnh viện dã chiến số 4 và khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Tân Túc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã trực tiếp đi vào nơi các F0 đang điều trị để hỏi thăm sức khỏe, chế độ ăn uống và động viên tinh thần để mọi người cố gắng giữ gìn sức khỏe, mau khỏi bệnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm, động viên F0 trong Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: VĂN MINH
Trong phòng 407 Bệnh viện dã chiến số 4, đồng chí ân cần hỏi thăm một gia đình có 3 người mắc Covid-19, tất cả không có triệu chứng và sức khỏe ổn định. Mọi người trong phòng cho biết, hiện “khỏe như trâu”, từ hôm vào đến nay không có dấu hiệu mệt mỏi gì. Mọi người mong sớm có kết quả xét nghiệm âm tính để sớm được về nhà.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi người dân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: VĂN MINH
Tại Bệnh viện dã chiến số 4, người mắc Covid-19 được các y, bác sĩ chăm sóc, động viên giữ tinh thần lạc quan, duy trì tập thể dục, ăn uống nhiều vitamin, uống nhiều nước. Ngoài chế độ thuốc thiết yếu tăng sức đề kháng, người dân còn được huyện hỗ trợ nước sả, nước chanh gừng để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra, bệnh viện cũng lập đường dây nóng để người dân có vấn đề, có yêu cầu gì gọi xuống phòng trực ban để y, bác sĩ kịp thời hỗ trợ.
Trong bệnh viện mỗi phòng đều có hướng dẫn để người dân đang điều trị theo dõi sức khỏe.
Bí thư Thành ủy TPHCM và Thứ trưởng Bộ Y tế đều đề nghị y bác sĩ trong bệnh viện tăng cường công tác hướng dẫn cho người dân theo dõi sức khỏe. Ảnh: VĂN MINH
Trực tiếp khảo sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đều đề nghị y, bác sĩ trong bệnh viện tăng cường công tác hướng dẫn cho người dân theo dõi sức khỏe như nhiệt độ, chế độ uống nước, cách vệ sinh cá nhân…
Bí thư Thành ủy TPHCM đến kiểm tra thực tế khu điều trị Covid-19 Tân Túc (huyện Bình Chánh). Ảnh: VĂN MINH
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đến kiểm tra thực tế khu điều trị Covid-19 Tân Túc với hơn 1.800 F0 đang điều trị và đến nơi ở tạm cho y, bác sĩ tại Trường THCS Tân Túc thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sĩ cùng toàn thể đội ngũ nhân viên tại đây.
Bí thư Thành ủy TPHCM làm việc với huyện Bình Chánh (TPHCM) về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: VĂN MINH
Sau buổi đi kiểm tra, thăm hỏi người dân đang điều trị Covid-19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với huyện Bình Chánh (TPHCM) về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Cùng tham gia có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Lê Tiến Dũng, chuyên gia hô hấp; PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia về y học cổ truyền.
Sáng tạo với bệnh viện dã chiến huyện
Báo cáo với đoàn, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam thông tin, tính đến ngày 28-7, huyện có 1.999 ca F0 được điều trị, chăm sóc tại các khu cách ly của huyện. Trong điều trị, huyện nhanh chóng triển khai phân loại F0 theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện mô hình phân “4 tầng điều trị tại địa phương”, song song với 5 tầng điều trị của TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu trong buổi làm việc với huyện Bình Chánh (TPHCM) về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: VĂN MINH
Trong đó, huyện tổ chức cách ly tại nhà đối với nhóm F0 có chỉ số CT trên 30, không triệu chứng, không bệnh nền và dưới 65 tuổi, có điều kiện (tầng 1). Mặt khác, huyện cũng lập bệnh viện dã chiến huyện, có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nam Sài Gòn và Trung tâm Y tế huyện để chăm sóc, điều trị các F0 có triệu chứng cần thường xuyên theo dõi và dự báo (tầng 3). Đến ngày 28-7, khu bệnh viện dã chiến huyện đã điều trị thành công và cho xuất viện 223 trường hợp.
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VĂN MINH
Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hàng ngày nấu và đóng chai nước uống (gừng, sả, mật ong…) để gửi đến các lực lượng tuyến đầu và phục vụ bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các khu cách ly, khu phong tỏa, nhằm hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh nhận xét, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, lực lượng y tế của huyện "mỏng'' nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý những vấn đề phát sinh. Mặt khác, trang thiết bị y tế tại các khu vực cách ly chưa được trang bị đầy đủ, dẫn đến khó khăn khi xử lý các tình huống bệnh nhân trở nặng. Do đó, huyện Bình Chánh kiến nghị bổ sung thêm nguồn lực y tế và thiết bị y tế để giúp công tác điều trị, chăm sóc và điều trị bệnh nhân được tốt hơn.
PSG.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá cao sự chủ động của huyện Bình Chánh trong tổ chức cách ly, đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản cho người mắc Covid-19. Ảnh: VĂN MINH
Trao đổi tại buổi làm việc, PSG.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá cao sự chủ động của huyện Bình Chánh trong tổ chức cách ly, đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản cho người mắc Covid-19. Việc huyện phân tầng điều trị và lập bệnh viện dã chiến huyện đã giúp giảm tải rất lớn cho lực lượng y tế, đem lại sự an tâm cho người bệnh, góp phần điều trị bệnh nhân hiệu quả.
Chăm lo, hỗ trợ kịp thời người dân
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của huyện trong thực hiện 5 tại chỗ và huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn đã tham gia hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân ở huyện.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng bày tỏ trân trọng sự đóng góp công sức của các y, bác sĩ về hưu, đặc biệt có những người không đủ sức khỏe để đi lại nhưng ở nhà vẫn tư vấn bằng cách thức phù hợp.
Bí thư Thành ủy TPHCM kiểm tra suất cơm dành cho lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly điều trị Covid-19 tại huyện Bình Chánh. Ảnh: VĂN MINH
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, Bình Chánh là địa bàn rất phức tạp với dịch Covid-19 khi có nhiều ổ lây nhiễm. Dù vậy, huyện đã có những sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo đột phá trong từng khu vực phong tỏa. Đặc biệt, huyện phối hợp theo dõi, quản lý, hướng dẫn và tư vấn số F0 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Trong chăm sóc F0, huyện chăm chút đến bữa ăn, thức uống tươm tất phục vụ cho khoảng 2.000 người bệnh.
Đến nay, huyện đã điều trị, phối hợp điều trị hiệu quả và cho xuất viện gần 1.000 F0, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, điều trị F0 của TPHCM. Tuy nhiên, huyện cần lưu ý thêm đến công tác vệ sinh, đảm bảo môi trường khu vực thu dung F0 được trong sạch, tươm tất, giúp người bệnh an tâm tịnh dưỡng, điều trị và mau khỏi bệnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của huyện trong thực hiện 5 tại chỗ và huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn đã tham gia hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân ở huyện. Ảnh: VĂN MINH
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM đang ở thời khắc rất quan trọng trong những ngày cao điểm toàn TPHCM đang tập trung ứng phó với dịch Covid-19. Thời gian qua, huyện Bình Chánh đã tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và gần đây là Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM, nhưng huyện cần tiếp tục thực hiện triệt để giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan mới trong cộng đồng.
Cùng với đó là việc tập trung điều trị. Cụ thể, đối với F0 không có triệu chứng thì phối hợp với gia đình để tư vấn, hướng dẫn sớm vượt qua dịch bệnh. Bởi lẽ, có những F0 không triệu chứng được thu dung nhưng không được chăm lo chu đáo, vừa tạo nguy cơ lây nhiễm chéo, vừa khiến họ mất sức.
“Ở nhà người ta có điều kiện thì sẽ tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét nhưng cũng lưu ý phải thường xuyên theo dõi, liên lạc và kịp thời hỗ trợ nếu người dân cần. Theo đó, chính quyền phải nắm danh sách cụ thể, tổ chức tổ y tế cộng đồng lưu động, có phương tiện để xử lý kịp thời khi có bất trắc xảy ra. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu tối đa tử vong.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, khi TPHCM tiếp tục siết chặt yêu cầu thực hiện giãn cách thì người nghèo tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, huyện cần đặc biệt quan tâm chăm lo kịp thời, không để bất kỳ trường hợp nào bị đói khổ, cùng cực.
KIỀU PHONG - VĂN MINH
Nguồn báo SGGP