Cũng trong tối 19/7, Bộ Y tế cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.
Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.
Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; vaccine Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)...
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến nay tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người; Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 306.475 người.
GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết, trong quý 3 năm nay sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam.
Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Bộ Y tế cho biết thêm, Việt Nam đã đạt được thoả thuận chuyển giao công nghệ vaccine của Mỹ và Nga cũng như thoả thuận hỗ trợ các đơn vị trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, khoa học, khách quan.
Tạo điều kiện tối đa để sản xuất vaccine phòng COVID-19
Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine, trên cơ sở rà soát, sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp trong nghiên cứu của Bộ Y tế một cách hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành y tế, đặc biệt là công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế chủ động đề xuất các nhiệm vụ với Bộ Khoa học và Công nghệ để đặt hàng và ưu tiên kinh phí hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định.
Đối với các dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống đại dịch, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng có thể hỗ trợ ở mức tối đa đến 100% tổng mức kinh phí đầu tư.
Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành tích cực vận động, huy động các nguồn tài chính hợp pháp, huy động xã hội hóa lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ trong ngành y tế nói riêng.
Về vaccine COVID-19, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, Bộ Y tế chủ động triển khai thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
Theo Báo Chính Phủ
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tuan-nay-3-trieu-lieu-vaccine-moderna-ve-viet-nam-pfizer-dong-y-tang-so-luong-cung-cap-a5027.html