Người dân Thái Lan xếp hàng ở Bệnh viện Siriraj chờ tiêm vaccine Covid-19
Theo thông báo, SMK sẽ hủy tất cả hợp đồng bảo hiểm Covid-19 2-1 (2 trong 1). Theo đó, tất cả khách hàng sẽ bị chấm dứt hợp đồng sau 30 ngày kể từ khi họ nhận được thư chính thức thông báo về sự thay đổi từ công ty. Công ty sẽ hoàn trả phí bảo hiểm trong vòng 15 ngày sau ngày chấm dứt có hiệu lực. SMK quyết định hủy bảo hiểm vì cho rằng tình hình dịch Covid-19 của đất nước là một cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng đến việc quản lý rủi ro của công ty.
Sau thông báo, làn sóng phản ứng giận dữ cáo buộc công ty vô trách nhiệm nhanh chóng lan ra cả trên trang Facebook của công ty và trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác với hashtag #Syn Mun Kong. Các công ty bảo hiểm Covid-19 khác của Thái Lan như Bảo hiểm Bangkok, Bảo hiểm Muang Thai, Bảo hiểm Dhipaya lập tức trấn an khách hàng rằng họ không có ý định chấm dứt hợp đồng và khách hàng vẫn được bảo vệ theo hợp đồng ban đầu.
Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) đã lập tức tổ chức các cuộc đàm phán với công ty ngay sau thông báo gây sốc của SMK, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động pháp lý hoặc phạt tiền nếu công ty vẫn hủy sản phẩm bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Thái Lan cũng kêu gọi các thành viên tôn trọng hợp đồng ban đầu với khách hàng, vì nhiệm vụ của các công ty bảo hiểm là tính toán đúng rủi ro trước khi bán các hợp đồng.
Theo báo Bangkok Post, trên thực tế, các công ty bảo hiểm Thái Lan đang bị ngợp trước các yêu cầu bồi thường khi số ca tử vong và nhập viện của khách hàng mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Khi Covid-19 lần đầu tiên tấn công Thái Lan vào năm ngoái, các công ty bảo hiểm bắt đầu cung cấp các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ Covid-19. Khách hàng có thể mua bảo hiểm 200.000 baht đến 2 triệu baht với giá chỉ 450-1.200 baht/năm. Tuy nhiên, giờ đây, các công ty bảo hiểm nhận thấy mình không chỉ chi trả các yêu cầu bồi thường của những người nhiễm virus “một cách hợp pháp”, mà còn từ những người tuyệt vọng về kinh tế “cố tình” bị mắc bệnh để lấy tiền bảo hiểm.
Hiện nhiều nước trên thế giới không triển khai bảo hiểm thương mại đảm bảo riêng cho dịch bệnh vì họ không thể tái bảo hiểm và không thể kiểm soát rủi ro. Sản phẩm chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả cho trường hợp tử vong do dịch bệnh (tùy điều khoản của từng công ty), nhưng tuyệt đối không chi trả cho sản phẩm bổ trợ. Các loại hình bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng loại trừ rủi ro dịch bệnh, vì chính phủ sẽ là cơ quan gánh chịu các loại chi phí này cho công dân của mình.
Số ca mắc mới tiếp tục tăng vượt ngưỡng 10.000 ca và 100 trường hợp tử vong/ngày đang gây áp lực lên hệ thống y tế công cộng. Truyền thông Thái Lan ngày 17-7 đưa tin Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia chung tay với chính quyền Bangkok, bố trí hơn 200 đội phản ứng nhanh đi khắp Bangkok và các tỉnh lân cận, đi từng nhà để cung cấp dịch vụ test Covid-19 miễn phí cho mọi người, nhằm phát hiện và cách ly những người bị nhiễm bệnh, hạn chế tình trạng lây truyền tăng vọt ở thủ đô.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/mot-cuoc-khung-hoang-suc-khoe-khac-a5021.html