Ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.", Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để tìm hiểu sâu hơn về bài viết, nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Xin ông cho biết những suy nghĩ của mình về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
PGS.TS. Lê Văn Cường: Những ngày vừa qua, đọc và suy ngẫm về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi càng thấy vững tin vào con đường, mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Bằng lập luận sắc bén về lý luận, diễn đạt rất cô đọng, dễ hiểu, Tổng Bí thư đã trả lời rõ ràng, dứt khoát và thuyết phục câu hỏi: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?
Tiếp thu tinh thần của bài viết để chúng ta vững tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn với người dân được đặt vào vị trí trung tâm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy dân chủ để trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước. Bài viết cũng nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Lắng nghe tiếng nói của người dân, phục vụ cho lợi ích chân chính của nhân dân chính là Đảng ta thể hiện lý tưởng, mục tiêu mà Đảng theo đuổi.
Những phân tích và lập luận sắc bén với minh chứng rõ ràng của Tổng Bí thư cho thấy con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn chỉ có thể là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta lựa chọn là một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận.
Bài viết của Tổng Bí thư nêu rõ luận điểm, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, xin ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
PGS.TS. Lê Văn Cường: Trong bài viết này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để xứng đáng với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để gánh vác sứ mệnh lịch sử lớn lao của mình. Bên cạnh những thành công thì công tác xây dựng Đảng cũng có nhiều vấn đề đặt ra mà Đảng phải giải quyết như tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, phải xây dựng Đảng đồng bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Cuộc chiến chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác do Tổng Bí thư phát động đã nhận được sự ủng hộ và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, theo ông đánh giá công việc này hiện nay được thực hiện như thế nào?
PGS.TS. Lê Văn Cường: Trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Nếu Đảng không vững mạnh, trong sạch thì niềm tin trong dân sẽ giảm dần. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Cần xác định rõ rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, là để củng cố sự đoàn kết thống nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững nguyên tắc hoạt động, kỷ cương của Đảng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, NXB CTQG Sự thật, H. 2021, tr.221).
Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS. Lê Văn Cường: Từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, bên cạnh những thuận lợi rất to lớn và cơ bản, cán bộ, đảng viên cũng phải đối diện với những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Do đó, trong quá trình ra đời và hoạt động, Đảng cũng mắc phải những hạn chế, khuyết điểm trong tư tưởng, trong đường lối chính trị và chỉ đạo thực tiễn; một bộ phận tổ chức đảng có lúc, có nơi mất sức chiến đấu, mất đoàn kết nội bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động, nhạt phai lý tưởng, sa sút phẩm chất, đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân…, gây nên nguy cơ làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cuộc chiến chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác do Tổng Bí thư phát động đã nhận được sự ủng hộ và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hàng loạt cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật khi đã “nhúng chàm”, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta. Thực tâm, chúng ta rất buồn trước thông tin nhiều đảng viên ở các cấp bị thi hành kỷ luật và bị truy tố trước pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là chuyện "rất đau lòng", nhưng chúng ta mừng vì người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã khẳng định quyết tâm "đau nhưng phải làm và sẽ còn tiếp tục làm"; tinh thần là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân.
Theo ông vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện như trong bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập tới?
PGS.TS. Lê Văn Cường: Vai trò lãnh đạo của Đảng không tự nhiên mà có, không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của một quá trình vận động của lịch sử, được thực tế chứng minh là hoàn toàn hợp quy luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Đảng sẽ không thể làm tròn nhiệm vụ, không thể đóng vai trò lãnh đạo được nữa, nếu Đảng bị suy yếu: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, tr. 672).
Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện vì Tổng Bí thư đã nêu rõ: Cái mà Đảng và nhân dân ta hướng tới là "sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân".
Nhân dân đồng tình con đường mà Đảng ta lựa chọn vì chủ nghĩa xã hội là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chính vì đề cao nhân tố con người cho nên Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, H. 2021, tr.96- 97).
Trân trọng cảm ơn ông!
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/vung-tin-vao-con-duong-muc-tieu-ma-dang-va-nhan-dan-ta-da-lua-chon-a4853.html