Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trong vòng 2 tháng, TPHCM phải giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án Safari

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong vòng 2 tháng, huyện Củ Chi và TPHCM phải giải quyết dứt điểm, giải quyết thấu tình đạt lý vướng mắc tại dự án Safari để người dân yên tâm và dự án phát triển tốt đẹp.

Trong chuỗi các hoạt động tại TPHCM, sáng 21-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp gỡ các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án Thảo Cầm viên mới (Safari, tại huyện Củ Chi, TPHCM).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trong vòng 2 tháng, chính quyền TPHCM phải giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án Safari ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các hộ dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng dự có các đồng chí: Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Tham dự buổi gặp là 12 người dân đại diện 44 hộ dân cho rằng có sự chưa thỏa đáng trong chính sách đền bù ở dự án Safari.

Chủ tịch nước muốn nghe trực tiếp ý kiến của người dân

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe một số vấn đề vướng mắc trong dự án Safari. 

Chủ tịch nước cho hay, việc này không phải thuộc trách nhiệm của Trung ương nhiều, việc chính là đền bù giải phóng mặt bằng do địa phương, chủ yếu là huyện Củ Chi thực hiện.

Trên tinh thần lắng nghe ý kiến nhân dân, Chủ tịch nước và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã gặp đại diện người dân, nghe người dân trao đổi các tâm tư, nguyện vọng mà người dân muốn trình bày với Trung ương, với TPHCM, với huyện Củ Chi.

Chủ tịch nước đánh giá, phần lớn các hộ giải tỏa đã nhận đền bù xong. Hiện nay, còn một số nhỏ người dân còn vướng mắc đối với dự án.  

Chủ tịch nước cũng đặt ra trách nhiệm công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết các vướng mắc. Theo Chủ tịch nước, người dân cũng cần thấu hiểu đây là công trình cho phúc lợi người dân chứ không phải là dự án kinh doanh lớn và chính quyền cần lắng nghe người dân để xử lý phù hợp, có lý có tình đối với các hộ dân trong diện giải tỏa.

“Mong nghe trực tiếp ý kiến của bà con, nêu ra những gì còn mắc mứu để chỉ đạo xử lý hợp tình hợp lý vấn đề này”, Chủ tịch nước nói.

Người dân sẵn sàng chia sẻ với chính quyền

Đại diện bà con trình bày ý kiến, ông Đoàn Văn Xuân (xã An Nhơn Tây), cho biết những năm qua bà con đã kiến nghị một số nội dung và chưa tìm được tiếng nói chung với huyện. Theo ông Xuân, việc UBND TPHCM ký quyết định thu hồi hơn 485 ha đất để thực hiện dự án Safari khi chưa được Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, là trái quy định pháp luật. Từ đó dẫn đến việc áp dụng giá bồi thường của năm 1995, cũng là sai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trong vòng 2 tháng, chính quyền TPHCM phải giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án Safari ảnh 2Đại diện các hộ dân trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Dẫn chứng kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Đoàn Văn Xuân cho biết, dự án có 705 hồ sơ ở hai xã bị ảnh hưởng, đã có 578 hồ sơ đền bù sai. Cùng một loại đất, nhưng được áp dụng 3 loại giá khác nhau là 60.000 đồng/m2, 75.000 đồng/m2, 150.000 đồng/m2, theo ông là không công bằng.

“Chúng tôi kiến nghị thống nhất đơn giá bồi thường là 150.000 đồng/m2, là giá người dân thiệt thòi nhưng vì trách nhiệm là người dân Củ Chi anh hùng, nên chúng tôi chia sẻ với chính quyền để cùng đưa dự án này lên”, ông Xuân nói.

Cụ thể, các hộ đã nhận tiền bồi thường giá 60.000 đồng/m2 và 75.000 đồng/m2 đề nghị được nhận số tiền còn lại cho đủ 150.000 đồng/m2 kèm tiền lãi trong 17 năm qua, bởi mức giá 60.000 đồng/m2 hiện chỉ tương đương với một tô phở!

Theo ông Xuân, người dân cũng kiến nghị các hộ dù có nhà hay không có nhà trong dự án cũng nên được bố trí nền tái định cư. Những hộ bị ảnh hưởng diện tích quá lớn, có hộ tới 2-3 ha, nhưng do không có nhà trên đất nên không có nền tái định cư là quá thiệt thòi.

Ông Xuân cho biết có 15 hộ khiếu nại kéo dài nhiều năm nay, không nhận tiền đền bù. Ông đề xuất được bồi thường theo giá hiện thời, hoặc hoán đổi đất, hoặc tính giá trị đất rồi đưa vào tái định cư.

Một số hộ còn phản ánh việc chi tiền tái định cư, tạm cư cho người dân đến nay có hộ mới được chi 50%, có hộ 75%.

Các ý kiến hộ dân phát biểu tại buổi gặp mặt đều khẳng định luôn ủng hộ chủ trương thực hiện dự án, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với chính quyền địa phương để có một dự án lớn trên địa bàn cho người dân được thụ hưởng.

Sau khi lắng nghe người dân, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo huyện Củ Chi: “Trước mặt Chủ tịch nước, trước mặt lãnh đạo TPHCM, huyện Củ Chi hãy nói rõ quan điểm xử lý vấn đề này thế nào, tinh thần người dân vì đất nước nhưng đất nước cũng phải vì người dân, đồng tâm hiệp lực phát triển huyện Củ Chi, phát triển TPHCM, phát triển đất nước”.

Chủ tịch nước chỉ rõ, vướng mắc trong dự án Safari cũng là khuyết điểm của chính quyền nữa, chứ không phải chỉ riêng khuyết diểm của người dân.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú trình bày: Trong số 705 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Safari, có 15 hộ còn khiếu nại. Còn lại, huyện đã bồi thường được 97% diện tích dự án. Các nội dung người dân bức xúc về việc áp giá bồi thường không hợp lý, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc chi tiền cho 578/705 hồ sơ là sai, dẫn đến nhà nước chi thêm hơn 104 tỷ đồng. Nhưng vì việc chi này có lợi cho dân, nên kết luận là không thu hồi của người dân, mà chỉ xử lý cán bộ làm sai.

Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, số tiền bồi thường 15 hộ chưa nhận, huyện đã gửi vào ngân hàng 17 năm nay và phát sinh lãi, đến nay tổng cộng là 25 tỷ đồng.

Về phản ánh, tiền chi trả tạm cư chưa được chi đủ 100%, Chủ tịch UBND huyện giải thích do ngân sách TPHCM cấp về cho huyện không đủ. Do đó, nếu huyện chi cho các hộ 100% số tiền thì sẽ có những hộ không được nhận. Củ Chi đã báo cáo với UBND TPHCM  bổ sung số tiền này, tiếp tục chi đủ cho người dân. Vấn đề nền tái định cư, ban đầu là thiếu một số nền, nhưng đến nay dư hơn 30 nền, huyện cũng đã báo cáo với UBND TPHCM để xem xét xử lý. Các công việc này, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi hứa trước Chủ tịch nước sẽ hoàn thành trong quý III-2021.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trong vòng 2 tháng, chính quyền TPHCM phải giải quyết dứt điểm vướng mắc tại dự án Safari ảnh 3Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú trình bày tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cũng cam kết với các hộ dân sẽ cố gắng cùng UBND huyện kiến nghị với TPHCM giải quyết thấu tình đạt lý, xong sớm trong năm 2021. “Đây cũng là bài học kinh nghiệm của hệ thống chính trị huyện sắp tới trong triển khai dự án, bồi thường tái định cư cho người dân”, đồng chí Nguyễn Quyết Thắng nói. Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng cũng chịu trách nhiệm sẽ tháo gỡ các vướng mắc, kịp thời bàn giao các nền tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống.

Mong muốn của dân và quan điểm xử lý của huyện đã gặp nhau

Phát biểu kết thúc buổi gặp, Chủ tịch nước nhận xét, dự án Safari đã triển khai được 17 năm, trải qua nhiều giai đoạn và có kết quả bước đầu. Dự án cũng đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó chỉ rõ những vấn đề đúng, sai của dự án.

Các ý kiến người dân phản ánh trong buổi gặp gỡ được Chủ tịch nước đánh giá là đều có trách nhiệm đối với việc phát triển dự án, phát triển quê hương Củ Chi. Người dân ý thức được trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và kiến nghị những vấn đề cụ thể trên tinh thần phát huy truyền thống quê hương anh hùng của huyện Củ Chi chứ không phải đặt lợi ích cá nhân của mình lên quá cao. “Các cô bác nói, tôi thấy đều có cơ sở và chính quyền các cấp nên xem xét, xử lý thấu tình đạt lý vấn đề này”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, qua gặp gỡ đối thoại cho thấy, tinh thần tiếp thu của lãnh đạo huyện cũng rõ ràng, hướng kiến nghị của người dân cũng rõ ràng. Vì thế, cần giải quyết thấu tình đạt lý cho 15 hộ dân còn lại, làm sao cho dự án phát triển được theo nguyện vọng của người dân.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận, liên quan đến vấn đề quản lý đất đai tại dự án, việc này đã được rút kinh nghiệm và đã xử lý kỷ luật một số cán bộ tại địa phương.  

Việc quan trọng thứ hai là giá đền bù cho người dân. Chủ tịch nước cho rằng, khi đền bù, không thể áp dụng giá đất của 10 năm trước đây để đền bù. Việc lấy giá đền bù trước đây 10 năm thực sự là thiệt thòi cho người dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, không hồi tố tất cả các hộ đã giải quyết đền bù mà chỉ giải quyết các hộ chưa nhận tiền. Hộ nào chưa giải quyết thì giải quyết. “Nếu như bà con chưa nhận số tiền đền bù, tiền đó chưa gửi ngân hàng, thì tính lãi suất cho bà con. Còn tiền đã gửi ngân hàng, sinh ra lãi suất rồi, thì phần đó bà con được hưởng”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cũng thống nhất việc giải quyết cho các hộ có một nền tái định cư. Theo Chủ tịch nước, điều đó là hợp lý, mỗi hộ dân cần có nền tái dịnh cư để giải quyết nhu cầu nhà ở.

Huyện nêu cách giải quyết, TPHCM duyệt và báo cáo Chủ tịch nước

Chủ tịch nước lưu ý về việc địa phương làm khu công nghiệp thì phải công bố rõ ràng cho dân, nếu không làm khu công nghiệp cũng phải công bố rõ ràng để người dân biết. “Thời điểm nào làm, nếu không làm thì thu hồi dự án chứ không được để dự án treo hoài. Không được để dự án treo là một nguyên tắc quan trọng trong quy hoạch. Không để nhà đầu tư “xí” đất trong khi người dân không được xây sửa nhà cửa. Cái này chính quyền phải làm rõ”, Chủ tịch nước yêu cầu.

Chủ tịch nước chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm duyệt phương án (giải quyết vướng mắc đối với 15 hộ còn lại của dự án- PV) của huyện Củ Chi trên cơ sở đề nghị của huyện Củ Chi. Trong khi đó, huyện phải lắng nghe người dân và giải quyết hợp tình, hợp lý, giải quyết chặt chẽ vấn đề này. Việc giải quyết phải báo cáo Chủ tịch nước xem xét.

Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM, huyện Củ Chi sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc ở án Safari, tránh tình trạng chỉ còn 15 hộ mà dự án chưa triển khai được. “Đất thép thành đồng mà để khiếu nại dai dẳng mãi thì cũng mang tiếng huyện Củ Chi, mang tiếng TPHCM”, Chủ tịch nước bình luận.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu - cùng có mặt tại buổi gặp gỡ, chú trọng giám sát việc giải quyết vướng mắc ở dự án Safari.

Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại là một số kiến nghị của người dân là có cơ sở và chính quyền phải lắng nghe ý kiến người dân. Đặc biệt là chính quyền phải vận dụng pháp luật phù hợp, thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, không để xảy ra vụ việc phức tạp ở địa phương. “Người dân có trách nhiệm với vấn đề này và chính quyền càng phải có trách nhiệm với vấn đề này. Mong rằng có sự gặp nhau giữa một số hộ dân với chính quyền và buổi gặp gỡ hôm nay là cơ sở rất tốt để thống nhất những vấn đề đặt ra, giải quyết hợp lý hợp tình”, Chủ tịch nước bày tỏ.

 Chủ tịch nước nói rõ: “Trong vòng 2 tháng, chậm nhất là 2 tháng, Chính quyền huyện Củ Chi và TPHCM phải giải quyết dứt điểm, giải quyết thấu tình đạt lý vướng mắc tại dự án Safari để người dân yên tâm và dự án phát triển tốt đẹp”

Nguồn báo SGGP

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-trong-vong-2-thang-tphcm-phai-giai-quyet-dut-diem-vuong-mac-tai-du-an-safari-a4823.html