Nghẽn mạng tại HOSE, trách nhiệm thuộc về ai?

Việc kéo dài tình trạng nghẽn mạch do quá tải hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khiến cho nhà đầu tư (NĐT) hết sức bức xúc. Các chuyên gia cũng như cơ quan truyền thông đã mổ xẻ nhiều vấn đề nhưng hướng giải quyết vẫn chưa thông. ĐTTC đã tìm hiểu các vấn đề nóng như nguyên nhân, giải pháp khắc phục và cơ quan quản lý chịu trách nhiệm về sự cố này.

Sập hệ thống có thể xảy ra nếu…
Theo thông tin từ HOSE, hệ thống giao dịch của HOSE có công suất thiết kế 900.000 lệnh. Hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán (CTCK), trong đó hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại chia cho CTCK theo 2 vòng.
Vòng 1 chia đều mỗi CTCK khoảng 3.000 lệnh, các CTCK đều được chia như nhau, kể cả CTCK đã dừng hoạt động. 
Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng, lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Cách này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành. 
Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế, nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một CTCK nào đó, có thể gây sập hệ thống của HOSE.
Có thể nói đây là biện pháp tự bảo vệ của hệ thống, và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt. Nếu hệ thống tiếp tục nhận lệnh vượt quá năng lực, kết quả giao dịch sẽ không còn tính chính xác, và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc một số CTCK bị nghẽn lệnh.
Số lượng CTCK thành viên của HOSE lúc cao điểm nhất là 105. Sau các đợt sáp nhập, giải thể, chuyển nhượng, số CTCK giảm gần 1/3 và hiện còn 74. Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống, danh sách và mã số (ID) giao dịch cung cấp cho các CTCK đã giải thể không thể xóa khỏi hệ thống vì sẽ ảnh hưởng đến số mã thành viên nói chung và mã tài khoản của NĐT.
Như vậy, sẽ có một số lượng lệnh vẫn được phân bổ cho các CTCK đã giải thể và không thể phân bổ cho các CTCK còn lại.

Một thực trạng bất khả kháng
Việc thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) tăng vọt trong năm 2020 là điều không được lường trước. Trong các năm trước, giá trị giao dịch bình quân ngày ở mức cao nhất của thị trường tại HOSE là khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
 
Theo thống kê của HOSE trong năm 2020, đặc biệt cuối năm, nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ, và 6-7 lần so với mức đầu năm.
Các CTCK trong Top 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số CTCK có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh. Đây là thực trạng bất khả kháng. Một trong những nguyên nhân gây nghẽn mạng nữa là do giao dịch robot.
Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh mà HOSE đang thực hiện, cũng như vì sao nhiều NĐT phản ứng với các giải pháp này?
Một trong những giải pháp mà HOSE thực hiện nhằm giảm tải cho hệ thống là việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 CK từ ngày 4-1, nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15-18% như dự kiến.
Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000-16.000 tỷ đồng.
HOSE đã chủ động báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) họp với các CTCK để rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía CTCK, hạn chế giao dịch tự động, hạn chế số lệnh đặt, sửa, hủy... để tối ưu hóa lượng lệnh vào thị trường.
Nhưng việc nhiều NĐT phản ứng khi cho rằng giải pháp sau đó mà HOSE đề xuất như nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE lên 1.000 cổ phiếu (CP), hay cấm hủy/sửa lệnh sẽ gây khó khăn cho NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ. Điều này vô hình trung đã đẩy NĐT nhỏ ra khỏi cuộc chơi chăng?
Thực ra đây cũng chỉ là những giải pháp HOSE nghiên cứu và đề xuất với cơ quan quản lý chuyên môn là UBCKNN. Đối với giải pháp cấm hủy/sửa lệnh, theo tính toán sẽ giảm tải được 30% cho hệ thống và có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật.
Có thể lấy dẫn chứng từ số liệu thống kê trong tháng 2 vừa qua: Tổng khối lượng lệnh đặt trong tháng là hơn 9 triệu, nhưng có đến 3 triệu lệnh hủy (chiếm 33,05%). Giải pháp này tác động nhất định đến hành vi của NĐT do không thể sửa hay hủy lệnh. Quy định này còn hạn chế được tình trạng chẻ lệnh, rải lệnh sẽ có khả năng giảm bớt; cũng như ngăn chặn việc sử dụng giao dịch robot. 
Vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 CP là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HOSE.
Các thị trường phát triển hơn chúng ta như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này. Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 CP có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 CP có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. 

Bảo vệ NĐT nhỏ và quy định giao dịch lô lẻ
Theo HOSE, việc nâng lô giao dịch lên các NĐT nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, gia tăng lượng NĐT chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề giao dịch CP lô lẻ cho NĐT, HOSE và cơ quan quản lý cũng đã tính tới việc áp dụng biện pháp giao dịch lô lẻ. Hiện tại, hệ thống của HOSE không có bảng giao dịch lô lẻ. CP lô lẻ được CTCK tổ chức mua lại của khách hàng thường theo giá sàn cộng thêm phí.
Thay vì xây dựng một bảng giao dịch lô lẻ trên hệ thống giao dịch có thể gây mất ổn định và thời gian, trong ngắn hạn có thể giải quyết bằng những quy định đối với CTCK để việc mua lại/bán làm tròn lô của NĐT sát với giá thị trường hơn, bảo vệ lợi ích của NĐT nhỏ lẻ. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, khi đó chúng ta hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 CP như hiện nay.

Bao giờ triển khai hệ thống giao dịch mới?
Ngay sau nhiều lần sự cố nghẽn lệnh liên tục xảy ra, nhiều NĐT cho rằng HOSE sẽ giải quyết như thế nào, cũng như phản ứng các giải pháp mà HOSE đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là HOSE mà cả cơ quan quản lý phải vào cuộc. Cơ quan quản lý cao nhất vẫn là Bộ tài chính.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, HOSE sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng quá tải hệ thống. Tuy nhiên, mọi giải pháp và quyết định đều phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Trong thời gian này, HOSE sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi phản hồi của NĐT và những người quan tâm đến TTCK về giải pháp nêu trên để có cơ sở cân nhắc liệu có áp dụng.
Được biết, vấn đề NĐT quan tâm lúc này là bao giờ khai thông hệ thống giao dịch mới tại HOSE để tránh tình trạng nghẽn lệnh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực ra đối với TTCK, mọi thay đổi về mặt kỹ thuật đều có tác động quan trọng đối với hệ thống giao dịch của HOSE và các CTCK.
Hệ thống công nghệ thông tin của TTCK có đặc thù riêng, đòi hỏi tính cẩn trọng và độ tin cậy cao. Vì vậy, quan điểm của cơ quan quản lý cũng như của HOSE là nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng giải pháp ít tác động nhất, chứ không thể có một giải pháp hoàn hảo nhất.
Đây là quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian để tránh những sai sót có thể xảy ra đối với hệ thống. Và đến nay HOSE cũng đã đề xuất với các cơ quan quản lý cân nhắc hiệu quả của việc áp dụng một số giải pháp. 
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, song dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tài chính, UBCKNN, cùng với sự hỗ trợ, nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị, các chuyên gia nước ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12-2020 để triển khai công việc theo kế hoạch.
Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HOSE cũng đã thông báo tới các CTCK chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.
Tuy nhiên, tiến độ đó là trong điều kiện thuận lợi, việc khai trương hệ thống mới sẽ còn phụ thuộc vào khá nhiều điều kiện khách quan, trong đó không thể không nhắc tới là rủi ro khó có thể lường trước đến từ đại dịch Covid-19 như đã thấy từ thực tế chậm trễ triển khai trong năm 2020. 
Theo báo SGGP

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nghen-mang-tai-hose-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a4685.html