Khu bảo tồn biển lớn nhất Đại Tây Dương

Vùng biển xung quanh một trong những hòn đảo có người ở xa nhất thế giới, nằm giữa Nam Đại Tây Dương, theo quy hoạch sẽ trở thành khu vực biển được bảo vệ lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất Đại Tây Dương.

Quần đảo Tristan da Cunha, nơi có hệ động vật phong phú.Quần đảo Tristan da Cunha, nơi có hệ động vật phong phú.

Nơi xa nhất thế giới

Quần đảo Tristan da Cunha, lãnh thổ thuộc Anh, cách Nam Mỹ 3.700 km về phía Đông và cách Nam Phi 2.600 km về phía Tây, có diện tích 104 km², nhưng chỉ đảo chính mới có người sinh sống.

Đảo chính có dạng gần tròn, đường kính trung bình vào khoảng 10km, tổng diện tích khoảng 78 km², nhưng chỉ có 5 km2 là địa hình bằng phẳng. Để đến được nơi này, từ Nam Phi phải đi thuyền trong vòng 7 ngày.

Khoảng 245 người gốc Scotland, Mỹ, Hà Lan và Italy sống trong ngôi làng duy nhất của Tristan da Cunha, có tên là “Edinburgh of the Seven Seas”.

Với dân số ít ỏi, nhưng trên Tristan da Cunha, động vật hoang dã rất phong phú, quần thể chim biển lên tới hàng chục triệu con.

Trong chuyến thám hiểm năm 2017 để nghiên cứu quần đảo, các nhà khoa học thuộc sáng kiến Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý quốc gia cũng đã phát hiện một quần thể lớn cá mập xanh di cư, loài đang bị đánh bắt quá mức để lấy vây.

“Đây là một nơi có hệ sinh thái độc đáo mà không nơi nào có được”, nhà thám hiểm GS Enric Sala của Hiệp hội Địa lý quốc gia nói. Đó là khu vực duy nhất với các hệ sinh thái ven biển như rừng tảo bẹ và đó cũng là một vườn ươm quan trọng đối với cá mập xanh.

Trong một bài báo năm 2014 xuất hiện trên tạp chí National Geographic Traveller, nhà văn Andy Isaacson đã mô tả Tristan da Cunha là sự kết hợp giữa Scotland và Big Sur của California.

Nằm nhô ra từ hòn đảo chính này là một ngọn núi lửa còn hoạt động, phủ đầy tuyết vào mùa Đông và nổi bật với những vách đá dựng đứng, nơi chim hải âu làm tổ. Dọc theo các bãi biển có nhiều đàn hải cẩu và chim cánh cụt, và ngoài khơi là những thảm tảo bẹ vàng.

Chỉ có một loài cây tồn tại trên đảo, đó là phylica arborea, hay “cây đảo”. Tuy xa xôi, nhưng Tristan da Cunha không phải là không có các mối đe dọa về mặt bảo tồn. Thời gian qua, loài chuột xâm nhập đảo từ các con tàu đi ngang, giết chết khoảng hai triệu con gia cầm mỗi năm. Một chiến dịch quy mô nhằm xóa sổ loài gặm nhấm sẽ diễn ra vào năm 2021.

Nhà khoa học Jonathan Hall, thuộc Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia (RSPB) cho biết, cư dân của Tristan da Cunha khai thác nghề đánh bắt tôm hùm đã được Hội đồng Quản lý Hàng hải cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp xâm nhập nơi này.

Một báo cáo năm 2017 của Pristine Seas sử dụng dữ liệu vệ tinh theo dõi các tàu đánh cá trong khu vực từ năm 2014 đến năm 2016, cho thấy, phần lớn trong số 253 tàu được ghi lại đi ngang qua, có 11 tàu cho thấy liên quan đến hoạt động đánh bắt. Đánh bắt cá công nghiệp có thể dẫn đến các loài chim biển, cá mập và các loài quan trọng khác vô tình mắc vào lưới hoặc dây câu.

Giải pháp hiệu quả

Quần đảo (gồm bốn hòn đảo) này sẽ là địa điểm của một khu bảo tồn biển rộng 687 nghìn km2, gấp 3 lần diện tích đất liền của Vương quốc Anh. Theo công bố của chính quyền Tristan da Cunha, 90% vùng biển xung quanh chuỗi đảo trên sẽ trở thành “khu vực cấm hoàn toàn các hoạt động khai thác, đánh bắt”.

Các nhà khoa học cho biết, điều này không chỉ giúp thúc đẩy nghề đánh bắt tôm hùm nhỏ bên ngoài khu bảo tồn, mà còn bảo vệ các bãi thức ăn cho hàng chục triệu con chim biển trú ngụ trên các hòn đảo, chẳng hạn như chim hải âu mũi vàng và chim cánh cụt rockhopper, đồng thời tạo môi trường sống cho hải cẩu, cá mập và cá voi.

Khu vực bảo tồn mới sẽ tham gia Chương trình Vành đai xanh của Anh. Cho đến nay, chương trình này đã giúp bảo vệ khoảng 7 triệu km2 hệ sinh thái biển trên thế giới. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa chính quyền Tristan da Cunha và Vương quốc Anh, cùng một số nhóm bảo tồn khác, bao gồm RSPB và sáng kiến Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ.

Theo Jonathan Hall, dưới sự bảo vệ của Chương trình Vành đai Xanh, Tristan da Cunha sẽ nhận được nhiều nguồn lực hơn để tuần tra các vùng biển của mình nhằm ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.

Các khu bảo tồn biển (MPA) được các chuyên gia xem như một giải pháp mang lại hiệu quả. Một nghiên cứu vừa được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã cung cấp thêm bằng chứng khoa học cho thấy, các MPA trên toàn thế giới giúp bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm bằng cách tạo ra sản lượng đánh bắt lớn hơn.

Việc đánh bắt thủy sản không bị xáo trộn có thể tạo ra hiệu ứng “lan tỏa”, trong đó lượng cá dồi dào từ một khu bảo tồn “tràn sang” các điểm nóng đánh bắt. Nghiên cứu cho thấy, việc mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn có thể thúc đẩy sản lượng đánh bắt cá toàn cầu lên ít nhất 20%.

Reniel Cabral, nhà sinh thái học tại Đại học California, Mỹ cho biết: “Nhu cầu ngày càng tăng về hải sản của dân số ngày càng tăng và đang gia tăng trên thế giới, cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều ngành thủy sản, làm tăng nhu cầu quản lý và bảo vệ tốt nguồn cá”. Khoảng 8% đại dương trên thế giới được xem là MPA, nhưng chỉ có 2,6% là hoàn toàn không giới hạn cho việc đánh bắt cá.

Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã kêu gọi bảo vệ 30% đại dương, một con số mà theo nghiên cứu, sẽ cho phép các hệ sinh thái mang lại những lợi ích, như nguồn cá dồi dào. Ngoài ra, việc bảo vệ phần lớn đại dương đó cũng sẽ giúp bảo vệ các loài quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Được phát hiện đầu tiên bởi nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, Tristan da Cunha, vào năm 1506, lúc đó hòn đảo này không có người ở. Mãi đến năm 1816, một đơn vị quân đội của Anh đã đến đồn trú ở đây để ngăn chặn người Pháp tìm đến giải cứu Hoàng đế Napoleon đang bị lưu đày ở đảo St. Helena, cách đó khoảng 2.000 km về phía Bắc. Hậu duệ của những thủy thủ người Anh này và một số ít người khác trong những năm qua đã sống yên bình trên đảo. Họ nuôi cừu, trồng khoai tây và đánh bắt tôm hùm.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khu-bao-ton-bien-lon-nhat-dai-tay-duong-a4530.html