Lư đồng An Hội: Sức sống của một làng nghề thủ công truyền thống

Từ xa xưa với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một phần không thể thiếu trong đạo lý của mỗi gia đình Việt. Trong đó, sự góp mặt của bộ lư đồng trên bàn thờ đã tạo nên vẻ trang nghiêm, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối người đã khuất. Vì thế mà làng nghề lư đồng Việt Nam nói chung, lư đồng An Hội (đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp) nói riêng, đã và đang góp phần gìn giữ và bảo vệ giá trị truyền thống đó.

Có mặt tại làng lư đồng An Hội vào những ngày cuối năm, mới thấy được không khí tất bật của một làng nghề truyền thống. Đó là những âm thanh quen thuộc: tiếng lóc cóc leng keng của búa đục cùng với bàn tay thoăn thoắt chạm trổ những hoa văn rồng, phụng, hoa lá… trên mặt đồng vàng óng, tiếng vỗ bèm bẹp khi đắp đất vào khuôn, tiếng máy khò lửa để trám những khuyết điểm trên bộ lư mới ra lò.

Theo các nghệ nhân nơi đây, “lão làng” làm lư đồng An Hội đầu tiên ở Sài Gòn xưa là ông Trần Văn Kỉnh hay còn gọi là ông Năm Kỉnh, học nghề ở Chợ Quán, Phú Lâm, sau đó ông truyền dạy cho con cháu. Cứ như vậy theo thời gian, làng nghề lư đồng An Hội đã tồn tại hơn trăm năm, với những nghệ nhân tâm huyết có thâm niên gắn bó từ 20-40 năm.

Thời hưng thịnh lư đồng An Hội rất nổi tiếng, theo chân thương lái có mặt ở khắp các tỉnh, thành cả nước và một số nước lân cận như Lào, Campuchia…  Dần dà, qua những thăng trầm của lịch sử và quá trình đô thị hóa, làng lư đồng An Hội từ 50 lò đỏ lửa đến nay chỉ vỏn vẹn còn 5 lò hoạt động: Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiểng. Chủ các cơ sở này đều là bà con trong dòng họ, với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.

“Nhà chị cũng nhiều người làm lư đồng lắm đó, anh chị em đều biết hết trơn!”, chị Nguyễn Thị Ngọc hơn 20 năm trong nghề chia sẻ

Nghề đúc lư đồng khá vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn từ làm khuôn (giáp cốt, bịt sáp, bịt đất), làm nguội (mài, dũa, chạm), đánh bóng. Mỗi người thợ sẽ phụ trách một khâu riêng, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và tập trung cao độ để cho ra “đứa con tinh thần” hoàn hảo nhất.

Khâu bịt sáp đòi sự tỉ mỉ của người thợ

Ngày nay mặc dù đã có máy móc hỗ trợ, nhưng một số công đoạn buộc người thợ phải làm bằng thủ công thì mới giữ được nét đặc trưng riêng cho từng sản phẩm. Chính vì vậy mà lư đồng An Hội được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về mẫu mã và hơn hết là cái “hồn” trong từng sản phẩm.

Cẩn thận trau chuốt từng chi tiết mới cho ra được những sản phẩm tinh xảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

 

Một lớp đất trấu bịt bên ngoài giúp khuôn chịu được sức nóng khi nung

Những chiếc khuôn được phơi khô, chờ đến công đoạn nung và đổ đồng vào khuôn

Lư đồng được mài giũa trước khi đánh bóng

“Lư đồng An Hội có hai loại: lư Bắc có dáng tròn hoặc bầu dẹp, lư Nam có dáng vuông với các hoa tiết trạm trổ Phúc – Lộc – Thọ, trúc – mai, Long – Lân – Quy- Phụng… Tùy theo kích cỡ, kiểu dáng và độ dày của đồng, cũng như độ tinh xảo, sẽ có các loại giá khác nhau. Thông thường loại hàng chợ có giá từ 2-6 triệu đồng/bộ, loại hàng đặt giá giao động từ 15-30 triệu/bộ” – nghệ nhân cho biết.

Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng là lư đồng, bát hương, hạc thờ, thì làng nghề lư đồng An Hội còn đa dạng các sản phẩm khác như trống đồng, bình bông, dĩa trái cây, mâm đồng, tranh đồng mỹ nghệ… Bên cạnh đó, để giới thiệu đến rộng rãi người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, qua đó khách hàng có thể lên mạng tìm kiếm những mẫu yêu thích và đặt hàng thông qua điện thoại.

Với đôi tay tài hoa anh Trần Quốc Thái khéo léo khắc từng nét hoa văn trên mặt lư đồng

Qua bao thăng trầm, những nghệ nhân nơi đây vẫn đau đáu bám trụ và truyền lửa nghề cho các thế hệ con cháu, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Anh Trần Quốc Thái (45 tuổi, “hậu duệ” của Cơ sở sản xuất lư đồng Hai Thắng) trầm ngâm chia sẻ với phóng viên “Nghề làm lư đồng nó đã thấm vào máu, tôi mong muốn sau này nghề mà ông cha đã gầy công tạo dựng sẽ tiếp tục truyền cho các thế hệ sau giữ gìn và phát triển, không để cho nghề bị mai một.”

Năm nay tuy gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh, giá đồng lên xuống thất thường, trong khi sản phẩm làm ra thì lượng tiêu thụ ít, bên cạnh đó lư đồng thủ công chịu sự cạnh tranh của lư công nghiệp, các cơ sở lư đồng An Hội rơi vào thế sản xuất cầm chừng. Nhưng với những các người nghệ nhân thì có lẽ chuyện bỏ nghề là không bao giờ. Bởi đó là một phần cuộc sống, mà hơn hết nó chứa đựng biết bao ký ức ức tuổi thơ của người thợ. Đến với nghề làm lư đồng xuất phát từ đam mê anh Nguyễn Hoàng Vũ cũng đã có hơn 30 năm gắn bó, chính nghề này đã giúp anh trang trải cuộc sống, nuôi dạy hai người con ăn học nên người.

Rời làng lư đồng An Hội khi nắng đã tắt, đọng lại trong chúng tôi biết bao cảm xúc, đó là những câu chuyện về nghề, cuộc sống và những trăn trở của một làng nghề truyền thống đang vươn mình vực dậy… Ngày nay, một số làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một và làng nghề lư đồng An Hội cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên bằng tâm huyết, tình yêu của người nghệ nhân và cái “hồn” trong từng sản phẩm, tin rằng làng nghề lư đồng sẽ tiếp tục phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người dân mong mỏi chính quyền địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, để làng nghề vượt qua khó khăn, khôi phục kinh tế, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống trăm năm mang dấu ấn của một Sài Gòn xưa.

Theo tạp chí Mekong-Asean

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lu-dong-an-hoi-suc-song-cua-mot-lang-nghe-thu-cong-truyen-thong-a4526.html