Nhộn nhịp không khí đón Xuân với các làng nghề huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre

Đã thành thông lệ cứ mỗi khi Tết đến, xuân về là mỗi gia đình đều chuẩn bị chỉnh trang nhà cửa, sắm thêm một vài vật dụng mới, mua cho con cái vài bộ quần áo mới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cuộc sống thì nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân những ngày giáp Tết cũng trở lên sôi động và đa dạng hơn. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Tân Sửu, đây cũng chính là thời điểm các làng nghề thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre) đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường cuối năm.

Bến Tre là tỉnh điểm trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm quốc gia. Đặc biệt, Chợ Lách là huyện điểm của tỉnh trong chỉ đạo xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, với lợi thế đó Chợ Lách đã tận dụng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được về kết cấu hạ tầng, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa – xã hội – môi trường. Theo khảo sát dữ liệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Chợ Lách xác định địa phương có 18 sản phẩm thế mạnh, thuộc 04 nhóm sản phẩm, trong đó: nhóm Thực phẩm có 06 sản phẩm, nhóm Đồ uống có 03 sản phẩm, nhóm Lưu niệm – nội thất – trang trí có 07 sản phẩm, nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 02 sản phẩm. Có thể liệt kê một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được xem là đặc sản của địa phương như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, bonsai, kiểng thú, cây giống – hoa kiểng các loại,… đặc biệt là Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách đây là sản phẩm mới trong chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Chợ Lách.

Ngoài chú trọng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, Chợ Lách còn quan tâm đặc biệt về du lịch làng nghề, đây được xem là điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Đến nay, trên địa bàn huyện phát triển được 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống – hoa kiểng với trên 5.700 hộ tham gia. Xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách có 12 ấp đều được công nhận làng nghề sản xuất cây giống – hoa kiểng. Riêng nghề sản xuất hoa kiểng có gần 3 ngàn hộ tham gia, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 3 triệu sản phẩm hoa kiểng tết đáp ứng nhu cầu thưởng thức hoa xuân của người dân ở khắp nơi trong cả nước. Làng nghề ở ấp Vĩnh Phú, Phú Hội của xã Vĩnh Thành vốn nổi tiếng với sản phẩm mai vàng, những ngày này không khí lao động của bà con càng trở nên nhộn nhịp. Toàn xã Vĩnh Thành có hơn 2.800 hộ tham gia sản xuất hoa kiểng tết, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường hơn 2,3 triệu sản phẩm. Trong đó sản phẩm mai vàng có hơn 500 ngàn chậu được nông dân tại địa phương tự trồng, tự chăm sóc, uốn tỉa thành phẩm bán cho khách và một số mua cây nguyên liệu từ các tỉnh Long An, Bình Định, Phú Yên về chăm sóc sau đó bán lại cho thương lái. Là một xã nông nghiệp, có nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng từ lâu đời, sở hữu thương hiệu cây giống hoa kiểng Cái Mơn nổi tiếng khắp cả nước, sản phẩm mai vàng ở Vĩnh Thành có nhiều mẫu mã, đa dạng về kiểu dáng. Hiện nay, trong xã có hơn 80% hộ gia đình tham gia sản xuất cây giống hoa kiểng, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu sản phẩm cây giống, 08 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Mặt khác, ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành là 01 trong 4 ấp trong huyện được chọn thực hiện Đề án “Làng văn hóa du lịch”, đây là điều kiện thuận lợi phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn.

Làng hoa Cái Mơn - 

Sản xuất hoa kiểng phục vụ thị trường hoa tết cũng đang là thế mạnh của xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Được biết đến với nhiều sản phẩm hoa nở, đặc biệt là hoa treo và kiểng lá để bàn. Những ngày này thương lái ở các nơi đã đến đặt hàng, làm cho giá bán của các loại hoa kiểng này thật sự sôi động. Trung bình một sản phẩm hoa treo giá tăng dao động lên khoảng từ 10% đến 12% vào dịp Tết.

Một năm tất bật với mùa vụ, họ mong sao thời tiết thuận lợi, giá bán ổn định để đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Tất cả đều mong đợi ở ngày Tết. Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê đều có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng cùng hướng tới là phục vụ thị trường vào dịp Tết. Với mỗi làng nghề, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh chính là góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Minh Hải

Theo tạp chí MeKong-Asean

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhon-nhip-khong-khi-don-xuan-voi-cac-lang-nghe-huyen-cho-lach-tinh-ben-tre-a4506.html