Những ngày này, tại nhiều khu vực thuộc huyện Ứng Hoà, Thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều nhóm người đổ về săn tìm mua đất. Giá đất của huyện vùng ven dường như “đứng im” suốt nhiều năm qua nay lại tăng nhanh chỉ trong vài ngày.
Theo người dân địa phương, chuyện này xảy ra ngay sau khi có thông tin về việc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội tại khu vực Nam Ứng Hoà.
Dù chỉ là thông tin đề xuất, nhưng theo những “cò đất” ở Ứng Hoà, đây là thời điểm vàng để nhà đầu tư thu gom đất với mức giá mềm để sau đó có cơ hội thu lời lớn gấp nhiều lần khi dự án chính thức được phê duyệt.
Những cơn sốt đất chỉ sau một đêm như ở Ứng Hoà hiện nay, là điệp khúc quá đỗi quen thuộc, đã từng diễn ra ở nhiều vùng miền trong cả nước. Hễ nơi đâu có một doanh nghiệp lớn xin đề xuất đầu tư dự án, hoặc sắp có một dự án cầu đường được triển khai là ngay lập tức làn sóng đầu tư “đón đầu” bất động sản tại khu vực đó lại trở nên sốt nóng.
Tại Đồng Nai, sân bay Long Thành sau nhiều năm chờ đợi đang có những bước chuyển mình quan trọng để chính thức khởi công. Bên cạnh sân bay, khu vực này cũng đang có những dự án đang nằm trên giấy nhưng vẫn đủ sức gây sốt giá nhà đất như như tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành lên 10 làn xe.
Chẳng hạn, sau khi tập đoàn Thái Lan đề xuất xây dựng thành phố Amata Long Thành có quy mô 750ha tại xã Tam An (Long Thành) thì những mẫu quảng cáo nhà đất khu vực này cũng có thêm những thông tin hấp dẫn hơn.
Một môi giới bất động sản tại đây cho biết, xum quanh khu vực thành phố Amata Long Thành nhiều ông lớn bất động sản cũng đã có những kế hoạch thâu tóm quỹ đất rộng lớn cho tương lai.
Dù chưa biết những thông tin thực hư này ra sao nhưng đây đang là cái cớ để giới đầu tư, môi giới bất động sản hâm nóng thị trường.
Được nhiều, mất lại nhiều hơn
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, đầu tư đón đầu các dự án bất động sản của những tập đoàn lớn, hay dự án hạ tầng giao thông quan trọng luôn hấp dẫn, đặc biệt với những người đầu cơ lướt sóng.
Dù biết sẽ có nhiều rủi ro, nhưng với tâm lý “liều ăn nhiều” khiến cho làn sóng này luôn cao trào và cuốn nhiều người tham gia. Tuy nhiên, người chiến thắng trong cơn sóng này chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với con số khổng lồ những người bị “sa lầy”, cùng với đó là nhiều hệ luỵ khó lường cho chính quyền và người dân địa phương khu vực đó.
Mới đây, giới đầu tư được phen lao đao khi một Tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Việt Nam đột ngột buông một dự án đô thị quy mô 3.490ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hoà, huyện Bến Lức.
Đầu tư đón đầu những dự án chưa rõ ràng tiềm ẩn rủi ro cao
Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding, cho biết việc đầu tư đón đầu các đại dự án lớn của những đại gia bất động sản cũng giống như con dao hai lưỡi. Điều này phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, nghĩa là mức độ rủi ro càng cao thì lợi nhuận thu được càng lớn và ngược lại.
Ông Hậu cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tham gia cuộc chơi này đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm và nắm bắt được thông tin đa chiều. Tốt nhất chỉ nên xuống tiền khi có những cơ sở nhất định như chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp được giao đất. Còn nếu dự án chỉ mới ở mức khảo sát quy hoạch thì việc đầu tư đón đầu là rất rủi ro.
Với những dự án hạ tầng giao thông, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam cho rằng, việc đầu tư một dự án cầu đường không phải là câu chuyện ngắn hạn. Ví dụ, là dự án xây dựng cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch (Đồng Nai) với quận 2 (TP.HCM) dù rục rịch hàng chục năm nhưng nay vẫn chưa khởi công xây dựng.
Bên cạnh đó, một đô thị phát triển không chỉ có yếu tố hạ tầng giao thông mà còn đòi hỏi sự phát triển tương xứng của hạ tầng kinh tế - xã hội để lôi kéo người dân về sinh sống.
Do đó, cuộc chơi bất động sản ở những khu vực này cần có tầm nhìn dài hạn. Nhà đầu tư cần có tiềm lực tài chính vững mạnh. Ngược lại những người mang tâm lý đầu cơ lướt sóng, sử dụng đòn bẫy tài chính sẽ dễ nhận “quả đắng” khi lao vào thị trường này.
Trần Phong
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/du-an-chua-to-dat-ngo-da-tang-a4186.html