Kết nối với tất cả mọi người
UBND quận 12 là một trong 3 đơn vị được chọn thí điểm triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó, CNTT đóng vai trò chính yếu để hiện thực đề án, nhắm đến phục vụ người dân.
Để nâng cao trách nhiệm quản lý, chính quyền quận 12 đã triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ứng dụng quản lý địa bàn dân cư và hồ sơ công việc tại UBND 11 phường trên địa bàn (G-Office) và hàng loạt hệ thống khác, như hệ thống đánh giá đo lường hiệu quả công việc của cán bộ, công chức (KPI); quản lý cán bộ, công chức qua việc sử dụng thẻ công nghệ RFID; phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC); ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường…
Với kênh giao tiếp giữa chính quyền với nhân dân, UBND quận 12 đã triển khai cổng thông tin điện tử nhằm đo lường, khảo sát sự hài lòng của nhân dân; triển khai ứng dụng tiếp nhận, quản lý, trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua Zalo, Facebook và Website - Vticket; triển khai hệ thống lắng nghe, phân tích và hỗ trợ xử lý thông tin mạng xã hội và Internet (SocialBeat).
Ngoài ra, cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dvctt-quan12.hochiminhcity.gov.vn với 18 thủ tục ở cấp độ 3 thuộc các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, lao động, tư pháp… cũng được ứng dụng. Theo số liệu thống kê đến cuối 2019, đã có hơn 4.554 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến của quận (năm 2017 có 132 hồ sơ, năm 2018 có 427 hồ sơ, năm 2019 có 3.995 hồ sơ).
Không chỉ trong quản lý hành chính của các cấp chính quyền, trong các lĩnh vực chuyên ngành tại TPHCM, CNTT chuyển đổi số cũng được ứng dụng mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao. Phần mềm quản lý hành nghề của Sở Y tế TPHCM là một ví dụ điển hình. Phần mềm này quản lý hơn 49.621 chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, hơn 6.618 giấy phép hoạt động, và cả nguồn nhân lực ngành y tế TPHCM.
Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng được tích hợp trên nền tảng IOS, Android, bao gồm: cổng thông tin điện tử; tra cứu khám chữa bệnh; khảo sát sự hài lòng tại các cơ sở khám chữa bệnh; hệ thống hỗ trợ tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ dịch vụ công; ứng dụng thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế…
Hiện nay, tỷ lệ tham gia dịch vụ trực tuyến của ngành y tế đã tăng trên 80% tại địa chỉ https://dichvucong.medinet.org.vn, với 56 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 trong lĩnh vực y và lĩnh vực dược, mỹ phẩm với số liệu thống kê qua các năm tăng cao (năm 2017 có 2.991 hồ sơ, năm 2018 - 8.428 hồ sơ, năm 2019 - 13.438 hồ sơ)…
Tương tự, từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) không ngừng đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, bằng các biện pháp đưa vào sử dụng hệ thống CMIS phiên bản 3.0, bao gồm 10 phân hệ (quản lý cấp điện, quản lý hợp đồng, lập hóa đơn, quản lý thu và theo dõi nợ…).
Ngoài ra, EVNHCMC đã hoàn tất nâng cấp website chăm sóc khách hàng, theo hướng tương tác dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 với thống kê tỷ lệ giải quyết trực tuyến đạt 99,94%, tương ứng 1.304.580/1.305.363 yêu cầu dịch vụ được giải quyết trực tuyến (tính đến ngày 1-10-2019); đa dạng hóa và đơn giản hóa các hình thức thanh toán tiền điện…
Trên đây chỉ là một phần trong sự chuyển biến to lớn trong ứng dụng CNTT tại TPHCM. Và, đô thị thông minh, với 4 trung tâm được thành phố đầu tư xây dựng, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm an toàn thông tin thành phố, Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội… thì quanh 4 trụ cột ấy, các ứng dụng CNTT được thể hiện tùy từng lĩnh vực.
Rộng mở để đáp ứng nhu cầu phát triển
Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường, cho biết, ngành CNTT thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng lớn để phát triển nhằm bắt kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ…
Để tiếp tục khai thác, phát triển tiềm năng ngành CNTT TPHCM, trong đó, khai thác sâu thị trường nhằm tạo sức bật của DN với vai trò dẫn dắt của nhà nước, sàn thương mại điện tử chuyên mua bán giải pháp CNTT-VT TPHCM đã đi vào hoạt động từ ngày 21-4. Đến nay, sàn thương mại điện tử này đã thu hút hơn 50 DN tham gia, giới thiệu, chào bán 110 giải pháp, dịch vụ, sản phẩm công nghệ.
Bên cạnh đó, Hội Tin học TPHCM (HCA) cũng đã tập hợp DN trong ngành CNTT tại TPHCM, cùng với Hiệp hội DN TPHCM thành lập Câu lạc bộ DN công nghệ để cùng liên kết, phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế.
Gần đây nhất, HCA triển khai đánh giá phân loại đợt 1 các sản phẩm phục vụ cho 7 chương trình đột phá của TPHCM, để giới thiệu với các sở ngành và tỉnh thành; xây dựng chương trình “10+20” (10 DN CNTT lớn hỗ trợ ít nhất 20 DN khởi nghiệp sáng tạo trong 2 năm liên tục, giúp DN khởi nghiệp phát triển sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường).
Rộng mở hơn, HCA cùng với đối tác đang triển khai hình thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đặt tại Thung lũng Silicon (Mỹ) để giúp các DN nhỏ thu hút nguồn lực từ bên ngoài, cũng như tăng sự hiện diện của DN CNTT TPHCM ngày càng nhiều hơn tại Mỹ.
Trong sự phát triển ngành CNTT của TPHCM, việc gia tăng hợp tác với các tập đoàn, tổ chức CNTT hàng đầu thế giới để tiến vào chuỗi hệ sinh thái nội dung số, chuyển đổi số được xác định là chiến lược then chốt. Thông qua các sự kiện như Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2019 (do Liên minh Xuất khẩu dịch vụ CNTT Việt Nam - VNITO, Công viên Phần mềm Quang Trung và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM), với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới sáng tạo”, ngành CNTT của TP đã chia sẻ, giới thiệu những giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI/ML), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), IoT, chuyển đổi số (Digital Transformation) và nhân lực CNTT... với các tập đoàn, đối tác hàng đầu thế giới.
Theo ông Park Jihwan, CEO Công ty ThinkforBL đến từ Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc và các công ty Việt Nam tại TPHCM luôn có cơ hội trở thành đối tác quan trọng của nhau, nhằm giải quyết các bài toán về hệ thống phần mềm, nhân lực và kỹ thuật. Còn theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch danh dự Liên minh VNITO, Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, bạn bè quốc tế đã xem Việt Nam là “Software Development Hub” ở tầm khu vực châu Á về gia công phát triển phần mềm.
Hơn nữa, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đang tích cực triển khai nhiều mô hình mới, chính sách mới như chương trình đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…, mở ra rất nhiều cơ hội, tiền đề để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.
Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường cho biết, hiện số DN hoạt động chuyên ngành CNTT tại TPHCM là 5.636 DN (tăng 23% so với năm 2016). TPHCM có gần 1.300 DN khởi nghiệp, trong đó hơn 900 DN thuộc lĩnh vực CNTT (chiếm 70%). Trong 3 năm gần đây, ngành CNTT có mức tăng trưởng cao, đúng định hướng của TPHCM. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong năm 2017 tăng 39,11%, năm 2018 tăng 15,54%. TPHCM có nhiều DN lớn, có mức tăng trưởng cao nhờ việc tiếp thu, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật ở trình độ cao của các tập đoàn kinh tế thế giới. |
Bá Tân
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/buoc-chuyen-lon-ve-cong-nghe-thong-tin-o-tphcm-a3583.html