Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm nỗi lo cây xanh gãy, đổ

Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, vấn đề an toàn cây xanh một lần nữa thu hút sự quan tâm của người dân, khi mới đây một học sinh bị tai nạn thương tâm do cây phượng cổ thụ bật gốc, đè lên người. Hiện, các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm nỗi lo của người dân trước nguy cơ gãy, đổ cây xanh.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Sự việc đau lòng khi một cây phượng trong khuôn viên trường học tại quận 3 gãy, đổ làm một em học sinh tử vong và nhiều em bị thương chưa lắng xuống thì những ngày cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp có tình trạng cây xanh “gục ngã” sau những trận mưa lớn.

Gần đây nhất, chiều 30-5, một cây trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) bất ngờ gãy ngang nhiều cành, rơi xuống đường trúng một người đi xe máy. May mắn người này chỉ bị thương nhẹ. Anh Lê Quốc Việt (chạy xe ôm khu vực Công viên 23 Tháng 9, quận 1), người nhiều lần chứng kiến cây xanh bị gãy, đổ mỗi khi mùa mưa đến, kiến nghị: "Mong rằng cơ quan chức năng có các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cây xanh tốt hơn để tránh các sự việc đáng tiếc”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh như: Võ Văn Tần, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng Tám, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu…, có nhiều cây cao, tán rộng, rất dễ gãy cành khi gặp mưa to gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.

Về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Phương cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 155.000 cây xanh. Trong đó, công ty đang chăm sóc, bảo dưỡng gần 100.000 cây xanh tại các công viên và khu vực công cộng; số còn lại nằm trong khuôn viên cơ quan, nhà dân... "Cây xanh gãy, đổ vào mùa mưa do bị sâu bệnh, rễ không bám sâu vào lòng đất. Bên cạnh đó, do tác động từ biến đổi khí hậu làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, rễ của nhiều cây không tiếp cận được nguồn nước nên chết khô, bật gốc khi gặp mưa to gió lớn. Mặt khác, tình trạng đô thị hóa nhanh, bê tông hóa vỉa hè, xây dựng các công trình ngầm như cáp viễn thông, điện, chiếu sáng, thoát nước... cũng góp phần xâm hại cây xanh", ông Lê Công Phương đánh giá.

Chủ động phòng ngừa

Nhằm phòng ngừa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động kiểm soát, xử lý cắt tỉa cây xanh bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn trong mùa mưa, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, khu dân cư…

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý, báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 15-6-2020. "Các đơn vị phải tập trung kiểm tra khả năng bảo đảm an toàn của cây xanh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm", Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Sơn cũng thông tin, Sở đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh... Với cây xanh trong khuôn viên, các trường học phải ngay lập tức liên hệ với cơ quan hữu quan khảo sát tình trạng cây, gia cố những cây sống, chặt hạ những cây có biểu hiện nghiêng đổ, mục ruỗng… để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, nhất là trong mùa mưa.

Mới bước vào mùa mưa, nhưng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cây xanh bị gãy đổ.

Từ góc độ đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc phần lớn cây xanh trên địa bàn thành phố, ông Lê Công Phương cho biết, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện những cây xanh sâu bệnh, cây có dấu hiệu gãy, đổ để cắt tỉa hoặc chặt hạ kịp thời. Mặt khác, công ty cử nhân viên túc trực 24/24 giờ tại các tuyến đường thường xảy ra sự cố cây gãy, đổ để thu dọn, xử lý trong mọi tình huống. Đồng thời, thay thế dần các loại cây tạp bằng các chủng loại có nhiều đặc tính đáp ứng tiêu chí an toàn cây trồng đường phố. “Khi trời gió lốc, mưa lớn, người dân nên hạn chế tham gia giao thông trên đường; không đứng, dừng đỗ xe dưới cây; nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh thiệt hại về người, tài sản”, ông Phương khuyến cáo.

Hà Phạm

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thanh-pho-ho-chi-minh-giam-noi-lo-cay-xanh-gay-do-a3520.html