PHÓNG VIÊN: Thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã có đơn thư tố cáo các phòng khám tư nhân “vẽ bệnh” moi tiền. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này và ngành y tế địa phương làm gì để phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Thuật ngữ “vẽ bệnh” chưa có trong từ điển Việt Nam, nhưng khi nói ra ai cũng hiểu hàm ý của nó, đó là hành vi của một số người lợi dụng sự phó thác của người bệnh cho các thầy thuốc trong lúc khám, chữa bệnh để “vẽ” ra một số bệnh không có thật, hoặc nếu có bệnh thì “vẽ” ra các biến chứng nguy hiểm cần phải can thiệp điều trị ngay với những kỹ thuật điều trị có giá cả cao ngất, chưa nói đến chất lượng điều trị. Điều này đã gây nên sự phẫn nộ ngay trong đội ngũ nhân viên y tế, vì thách thức truyền thống đạo đức của ngành y. Đây là một hiện tượng không phổ biến, chỉ xảy ra ở một số rất ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhưng cứ tái diễn sau mỗi lần cơ quan quản lý đã xử phạt, ngay cả mức cao nhất.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Tuy nhiên, những phản ánh của người dân thường chậm khiến công tác quản lý nhà nước của ngành y tế thường bị rơi vào thế bị động; thông tin phản ánh trên báo đài thường là những vụ việc đã xảy ra ở những thời điểm trước đó, cơ sở vi phạm khi biết có thông tin phản ánh sẽ lập tức thay đổi hiện trường, che giấu dữ liệu, nên công tác thanh tra, kiểm tra gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, Sở Y tế đã cho ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” cài đặt trên điện thoại thông minh giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm của cơ sở hành nghề khám chữa bệnh; cùng với quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Với ứng dụng này, bước đầu Thanh tra Sở Y tế đã kịp thời nắm bắt, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Sở Y tế kêu gọi người dân hưởng ứng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, để dễ dàng phản ánh thông tin đến Sở Y tế. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh qua tổng đài 1022 của thành phố.
Có một thực trạng, các phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính và phạt bổ sung là tạm đình chỉ hoạt động 4 - 5 tháng thì công ty tuyên bố giải thể, rồi ngay sau đó, một công ty mới được thành lập và xin cấp phép mở lại một phòng khám đa khoa khác cũng vẫn với đội ngũ quản lý và nhân viên y tế của phòng khám trước đó, thậm chí hoạt động ở ngay tại địa điểm cũ với tên gọi hoàn toàn mới. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TPHCM
Đây là thực trạng đã được Thanh tra Sở Y tế và Phòng Quản lý dịch vụ y tế ghi nhận. Các phòng khám mới này được thành lập không trái quy định pháp luật hiện hành, nhưng lãnh đạo Sở Y tế vẫn yêu cầu các phòng chức năng, nhất là Thanh tra sở và các phòng y tế quận huyện phải đặc biệt quan tâm giám sát có trọng điểm hoạt động của những phòng khám này. Nếu tiếp tục cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ hoạt động có thời hạn; nếu tái vi phạm thì tiếp tục đề xuất xử lý hành vi tái vi phạm ở mức cao nhất. Nói cách khác, cơ quan quản lý phải chọn giải pháp “chạy đua đường dài”, không được phép nản chí. Về lâu dài, Sở Y tế kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh hơn mang tính răn đe, giống như hình thức bấm lỗ bằng lái xe trong lĩnh vực giao thông trước đây, nếu cứ cố tình vi phạm khi hành nghề ở cùng một bác sĩ, cùng một cơ sở khám chữa bệnh, thì cơ quan quản lý nhà nước được phép “bấm lỗ” chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho đến lúc phải thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Giải pháp nào là mang tính triệt để, không còn tạo ra kẽ hở để tồn tại kiểu hành nghề “vẽ bệnh”, thưa ông?
Để kiểu hành nghề “vẽ bệnh” không còn “đất sống” đòi hỏi sự quyết tâm và cùng hành động từ người dân (người sử dụng các dịch vụ y tế) cho đến nhiều cơ quan chức năng có liên quan. Người dân sử dụng các dịch vụ y tế cần phản ánh ngay đến cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước (Sở Y tế, phòng y tế quận huyện) khi phát hiện hoặc nghi ngờ người hành nghề có các hành vi “vẽ bệnh”. Cơ quan quản lý nhà nước phải có các giải pháp chủ động phát hiện và vận hành có hiệu quả “Quy trình phản ứng nhanh trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế”, nhằm kịp thời xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với các cơ sở khám chữa bệnh tìm mọi cách để thu tiền từ người bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế công lập, nhất là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành trên địa bàn thành phố, chủ động báo cáo Sở Y tế khi phát hiện sự cố y khoa liên quan đến các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại phòng khám tư nhân; phối hợp với các phòng chức năng của Sở Y tế, cử chuyên gia tham gia đoàn kiểm tra thực tế theo quy trình phản ứng nhanh của sở. Sở Y tế sẽ kiến nghị sớm bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc cấp, tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ trong nước và cả bác sĩ nước ngoài theo xu thế phát triển chung của hệ thống y tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thành An thực hiện