Điền kinh quyết giành vé chính thức dự Olympic 2021

Do Liên đoàn Điền kinh thế giới thay đổi lịch thi đấu các giải tranh vé dự Olympic 2021, được tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản, nên điền kinh Việt Nam phải xây dựng lại kế hoạch để hoàn thành mục tiêu giành vé trực tiếp tham dự Olympic tới, thay vì nhận vé đặc cách.

Liên đoàn Điền kinh thế giới vừa thông báo về cách tính chuẩn mới dự Olympic Tokyo 2021. Theo đó, tất cả thành tích của các giải từ ngày 6-4 đến 30-11-2020 sẽ không được công nhận để xét chuẩn dự Olympic năm 2021 và chỉ thành tích tại các giải đấu từ ngày 1-12-2020 đến 29-6-2021 mới được xem xét chuẩn dự Olympic 2021.

Theo lịch thi đấu cũ, điền kinh Việt Nam sẽ tham dự một số giải đấu để tích điểm tham dự Olympic, như: Giải vô địch châu Á ở Trung Quốc vào tháng 6-2020, Giải đi bộ châu Á vào tháng 3-2020 tại Nhật Bản…, nhưng do dịch Covid-19, các giải đấu đều bị hoãn, hủy và hiện tại điền kinh Việt Nam vẫn chưa giành được vé chính thức tham dự Olympic Tokyo tới. Không những thế, kế hoạch thi đấu tích điểm của điền kinh Việt Nam chỉ có thể bắt đầu lại vào tháng 12-2020.

Trước sự thay đổi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho rằng, cách tính mới của Liên đoàn Điền kinh thế giới không ảnh hưởng đến vận động viên của đội tuyển Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho họ có thêm thời gian để chuẩn bị cho hành trình giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo.

Đơn cử như ở nội dung đi bộ nữ, vận động viên trẻ Phạm Thị Thu Trang của Hà Nội được xem là hy vọng hàng đầu của điền kinh Việt Nam trong việc giành vé dự Olympic. Nếu tham dự Giải đi bộ châu Á vào tháng 3-2020 ở Nhật Bản, Phạm Thị Thu Trang ít có khả năng giành vé trực tiếp dự Olympic, do chưa tích lũy đủ thể lực và kinh nghiệm để thi đấu ở một giải tầm cỡ châu lục. Lúc ấy, khả năng giành vé của Phạm Thị Thu Trang chỉ ở mức 50-50. Trong khi đó, nếu dự giải này vào tháng 3-2021, Phạm Thị Thu Trang đã có tích lũy đáng kể về chuyên môn, thể lực để có thể tự tin tranh vé trực tiếp dự Olympic 2021.

Còn vận động viên Nguyễn Thị Huyền cũng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho hành trình tranh vé dự Olympic 2021 ở nội dung 400m và 400m rào nữ. Bởi, ở SEA Games 30-2019, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng nội dung 400m rào với thời gian 56 giây 90, trong khi đó chuẩn Olympic là 55 giây 40. Ngay cả nhà vô địch ASIAD 2018 Quách Thị Lan cũng kém chuẩn A dự Olympic tới 0,70 giây. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải tăng tốc trong khâu tập luyện, để có nền tảng thể lực tốt nhất khi trở lại thi đấu cọ xát.

Điền kinh Việt Nam nỗ lực tập luyện trở lại để giành vé chính thức tới Olympic 2021.

Theo ông Lại Phúc Lộc, Trưởng bộ môn Điền kinh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, thời gian từ nay đến khi diễn ra các giải đấu tính chuẩn dự Olympic 2021 thực sự rất quý giá, để những vận động viên trẻ tích lũy thể lực cũng như trau dồi kinh nghiệm để giành vé chính thức. Vấn đề là các huấn luyện viên và chính vận động viên phải nhận thức được điều đó để tận dụng tối đa.

Mặc dù, điền kinh Việt Nam có cơ hội đến Olympic 2021 với 2 tấm vé đặc cách dành cho mọi thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế, nhằm động viên phong trào và mang tính khích lệ tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này. Song, toàn bộ đội tuyển điền kinh Việt Nam đang nỗ lực tập luyện để giành vé chính thức tới Olympic 2021.

Ngân Hà

Nguồn

 

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/dien-kinh-quyet-gianh-ve-chinh-thuc-du-olympic-2021-a3399.html