Tích hợp sẵn tất cả mọi thứ, dễ dàng sử dụng
Khi mua một chiếc máy tính để bàn (desktop), bạn sẽ phải chọn mua không chỉ 1, 2 hay 3 món linh kiện, mà là vô vàn thứ. Không chỉ những linh kiện bên trong case như CPU, bo mạch chủ, RAM, bộ nguồn, ổ cứng..., mà còn là các thiết bị ngoại vi như màn hình, chuột, bàn phím, loa, webcam...
Đối với những người không có nhiều kiến thức về máy tính, việc chọn lựa những linh kiện này sẽ khiến họ nhanh chóng "điên đầu", bởi mỗi linh kiện lại có hàng chục nhà sản xuất khác nhau, chia ra làm hàng trăm model khác nhau với hàng vạn tính năng khác nhau. Quan trọng hơn hết, tính tương thích của chúng cũng không được đảm bảo.
Trái ngược lại, khi mua một chiếc laptop, tất cả mọi linh kiện đều đã được nhà sản xuất gom sẵn thành 1. Người dùng am tường công nghệ chắc chắn sẽ không thích sự "tù túng" này, nhưng với người dùng bình dân thì đây là một quyết định đơn giản hơn rất nhiều.
Hơn thế nữa, mọi chiếc laptop hiện nay đều được tích hợp sẵn webcam, microphone và loa, nghĩa là người dùng có thể hội họp trực tuyến ngay lập tức mà không cần mua thêm bất kỳ thứ gì. Đối với desktop, những thành phần này thường bị bỏ qua khi xây dựng cấu hình, dẫn đến việc người dùng phải bỏ tiền ra mua thêm khi muốn sử dụng. Số tiền cho những linh kiện này có thể lên tới tiền triệu, không hề rẻ.
Không chỉ có vậy, việc "gom thành 1" của laptop còn có ích trong quá trình thiết lập ban đầu. Đối với desktop, người dùng sẽ phải kết nối hàng loạt dây dợ để nó có thể hoạt động. Trong khi đó với laptop, họ chẳng cần phải làm gì cả ngoài việc cắm sạc và bấm phím nguồn. Có thể khẳng định rằng: để vận hành một chiếc laptop là dễ dàng hơn so với desktop.
Gọn gàng, thuận tiện di chuyển
Khi nói đến "làm việc tại nhà", đa số nghĩ rằng họ sẽ chỉ ngồi yên một chỗ cả ngày, và vì vậy lựa chọn một chiếc máy tính bàn là hợp lý. Quan điểm này không sai, tuy nhiên sẽ có những trường hợp mà sự cơ động của một chiếc laptop là hoàn toàn hữu ích ngay cả trong môi trường làm việc tại nhà.
Đầu tiên, việc bố trí một chiếc laptop trên bàn làm việc là gọn gàng hơn so với desktop, đặc biệt là trên những bàn làm việc có diện tích nhỏ. Những thành phần được tách rời của desktop như case, màn hình, bàn phím, chuột, loa... không chỉ choán chỗ, mà dây kết nối giữa chúng còn khiến cho bàn làm việc của bạn trở nên lộn xộn và thiếu tinh tế.
Thứ hai, laptop giúp cho bạn thoải mái về vị trí và tư thế làm việc. Bạn có thể mang chiếc laptop của mình đến bất kỳ căn phòng nào, từ phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc cho đến phòng ăn... tuỳ thuộc vào bối cảnh và nhu cầu thực tế.
Hay trong trường hợp bạn đã làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài và muốn ngả lưng trên giường một chút nhưng vẫn muốn tiếp tục công việc, bạn hoàn toàn có thể mang chiếc laptop của mình lên giường (tuy nhiên không nên quá lạm dụng "tính năng" này của laptop).
Một chiếc laptop giúp cho bạn có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, và không bị bó buộc vào một không gian nhất định. Đây là điều mà không một chiếc desktop nào có thể làm được.
Không lo mất điện
Một trong những tình thế "ác mộng" nhất đối với người dùng máy tính chính là mất điện, khi bạn hoàn toàn có thể mất trắng công việc chỉ trong một tích tắc. Đa số các cơ quan hiện nay đều có nguồn điện dự phòng nhằm phòng tránh tình trạng trên, vì vậy nhân viên không cần quá lo lắng.
Thế nhưng khi làm việc tại nhà, đây lại là một rủi ro mà người làm việc cần tính đến. Với desktop, giải pháp cho việc này là UPS - bộ lưu điện dự phòng. Tuy nhiên, rất ít người dùng (thậm chí có thể nói là không một ai) trang bị thứ này cho máy tính của mình.
Với laptop, đây lại không phải là vấn đề - bởi mọi chiếc laptop đều được tích hợp sẵn nguồn điện dự phòng là pin. Vì vậy, nếu có mất điện, người dùng laptop sẽ không lo mất dữ liệu, thậm chí còn có thể tiếp tục làm việc trong hàng giờ đồng hồ mà không phải bỏ dở như với desktop.
Desktop cấu hình mạnh khiến... người dùng dễ sa đà vào game
Đây là một lý do nghe tương đối nực cười, tuy nhiên thực tế lại thường xuyên xảy ra, đặc biệt với cánh mày râu. Thật vậy, ưu điểm lớn nhất của desktop so với laptop là cấu hình, và một trong những ứng dụng phổ biến nhất yêu cầu cấu hình mạnh chính là game.
Kết hợp với những ưu điểm vốn có khác của desktop như màn hình lớn, bàn phím/chuột thoải mái và nguồn điện "vô tận" không lo hết pin như laptop, người dùng desktop rất dễ sa đà vào gaming và gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Biết rằng trên thị trường hiện nay có rất nhiều laptop cũng có thể chơi game, tuy nhiên những đặc tính vốn có như màn hình nhỏ, thời lượng pin hạn chế, không có chuột, tản nhiệt không hiệu quả... sẽ khiến cho người dùng cảm thấy "nản" khi nghĩ đến việc chơi game trên dòng máy này, từ đó chỉ tập trung làm việc.
Có thể mở rộng trong trường hợp cần thiết
Những ưu điểm của desktop so với laptop là gì? Màn hình lớn hơn, cấu hình mạnh hơn, bàn phím/chuột thoải mái hơn, loa hay hơn... Và bạn biết không, bạn có thể mang rất nhiều những ưu điểm đó của desktop đến với laptop.
Nếu có nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể kết nối chuột, bàn phím, màn hình, webcam, loa... vào laptop để có một trải nghiệm hệt như desktop. Đặc biệt, nếu như bạn kết nối màn hình gắn ngoài vào laptop, bạn có thể tận dụng màn hình có sẵn của laptop để trở thành màn hình phụ, giúp giảm thiểu thời gian chuyển đổi giữa các ứng dụng và gia tăng hiệu quả công việc.
Người dùng laptop hoàn toàn có thể kết nối màn hình, chuột, bàn phím... để đem lại trải nghiệm như desktop
Theo Dân Sinh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/mua-may-tinh-de-lam-viec-tai-nha-tai-sao-nen-chon-laptop-thay-vi-desktop-a3391.html