TP.HCM: Hoàn chỉnh quỹ đất để thu hút đầu tư

Các khu công nghiệp cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu

Các Khu công nghiệp (KCN) hiện hữu của TP.HCM dần lấp đầy, trong khi đó, có những KCN mở rộng, hoặc xây mới còn đang vướng mắc một số vấn đề nên chưa thể triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, do đó không thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Trước thực tế đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM đã phải ngồi lại để bàn cách để đảm bảo thu hút đầu tư...

Theo Ban Quản lý, một số KCN đang hoạt động chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, cây xanh tập trung... do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, như KCN Lê Minh Xuân 2 (diện tích 319,77 ha), tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Hiện tiến độ thực hiện dự án dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn khu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành và tháng 12/2020 mới hoàn tất vốn đầu tư; hay KCN Phong Phú (diện tích 67 ha) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Đến nay việc giải phóng mặt bằng của các dự án vẫn chưa hoàn tất và chủ đầu tư KCN chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong khi thời hạn hoạt động của KCN hiện chỉ còn 32 năm (căn cứ theo Quyết định số 98/QĐ-TTg, thời gian hoạt động: 50 năm kể từ ngày có quyết định đầu tư năm 2002).

Các khu công nghiệp cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu

Đối với KCN Lê Minh Xuân mở rộng (diện tích 109,91 ha) tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, theo dự kiến sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống điện) trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2023; xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung vào tháng 12/2020 đến tháng 12/2023... Dự án dự kiến bắt đầu kinh doanh từ tháng 01/2023 nhưng đến nay, KCN này chỉ thực hiện đền bù được 83,5l ha/99,54 ha diện tích phải đền bù, đạt 83,89% và chưa triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Còn hàng loạt các KCN như KCN Cơ khí ô tô còn 2,11 ha chưa đền bù; KCN Đông Nam còn 2,31 ha; KCN Tân Phú Trung còn 45,94 ha; KCN Lê Minh Xuân 3 còn 11,74 ha,  KCN Lê Minh Xuân còn 6,91 ha, KCN Tân Tạo: 5,03 ha, KCN Vĩnh Lộc còn 12,71 ha; KCN Tân Bình còn 0,29 ha; KCN Cát Lái: 3,01 ha; KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2 còn 40,42 ha... Điều này dẫn đến không thể đầu tư hạ tầng đồng bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án và không thể thu hút nhà đầu tư doanh nghiệp.

Riêng KCN Cát Lái, từ khi có chủ trương “chuyển giao KCN Cát Lái trước khi cổ phần hóa Công ty Dịch vụ Công ích Quận 2 cho Công ty Tân Thuận quản lý để chuyển đổi công năng thành khu dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất - nhập khẩu phục vụ cho hoạt động của Cảng Tân Cảng Cát Lái” đã phải tạm ngưng thực hiện kế hoạch đầu tư các hạng mục hạ tầng còn lại trong KCN, trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Do đó, KCN này không thể tiếp nhận dự án đầu tư mới và mở rộng do nhà máy xử lý nước thải tập trung hiện hữu không đủ công suất xử lý.

Nhằm tạo quỹ đất phục vụ cho thu hút đầu tư vào các KCX-KCN, ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 2 tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN Cát Lái, đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung để phục vụ cho các dự án đầu tư mới và mở rộng tại KCN. Đồng thời chỉ đạo UBND các quận huyện đẩy nhanh tiến độ đền bù tại các KCN để các công ty phát triển hạ tầng sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên diện tích đó. Hiện còn 130,46 ha chưa đền bù tại các KCN-KCX trên địa bàn 7 quận huyện.

“Một số KCN hiện vướng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN, dẫn đến chủ đầu tư hạ tầng, KCN không có nền tái định cư cho người dân, chậm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng KCN, các hạ tầng xã hội phục vụ KCN chậm triển khai. Do đó, Ban Quản lý KCN-KCN đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu việc giao các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN được làm chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN để các KCN có nền tái định cư, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai các hạ tầng xã hội phục vụ KCN”, ông Năng kiến nghị.

Trước mắt để thu hút đầu tư vào các KCN hiện hữu, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đề nghị các KCN cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.

Ngọc Hậu

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tphcm-hoan-chinh-quy-dat-de-thu-hut-dau-tu-a3312.html