Thị trường bất động sản trong quý: Đối mặt với phép thử mạnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Hàng loạt sàn giao dịch đã phải tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2020, nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Nhiều doanh nghiệp và công ty môi giới bất động sản không thể trụ lại với nghề. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Hàng loạt sàn giao dịch đã phải tạm dừng hoạt động. Tháng 2/2020, có khoảng 300/1000 sàn môi giới bất động sản trên cả nước phải đóng cửa và cho đến nay con số này đã tăng lên 800 sàn. Hiện chỉ còn khoảng 200 sàn vẫn đang duy trì hoạt động.

Vốn FDI vào bất động sản đang giảm mạnh

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong quý I/2020, trên cả nước có khoảng 53 nghìn sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41 nghìn sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số trên 139,2 nghìn sản phẩm được đầu tư xây dựng. Giá nhà ở nhìn chung chưa giảm.

Thông tin từ nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho thấy, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất (tới 94,1%), đồng thời số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2020 (tính đến ngày 20/3/2020), nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chỉ chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4. TP. Hồ Chí Minh chỉ thu hút 310,82 triệu USD, giảm đến 58,32% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ chiếm 3,6% tổng nguồn vốn FDI cả nước, trong đó, ngành xây dựng bất động sản chỉ thu hút được 35 triệu USD, chiếm 11,3%, đứng vị trí thứ 2.

Số liệu của HoREA cho thấy, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2020 chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.

Nhìn chung, thị trường bất động sản quý I/2020 bị trầm lắng, trong đó tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ, các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10% nên càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc vẫn phải duy trì lực lượng lao động.

 Đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản trong 2 năm 2018, 2019 cũng là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn kiểu chụp giật. Trong tình thế khó khăn hiện nay, đã có những tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, điển hình như Vingroup, Hưng Thịnh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian… Cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.

Trước đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 (có hiệu lực ngay lập tức) quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất hỗ trợ đến 98% doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và các hộ gia đình, cá nhân để giảm thiểu khó khăn. Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”, là cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại chủ động xem xét, hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất thấp hơn từ 0,5% đến 3% so với lãi suất thông thường.

Ngoài ra, để thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, theo PGS-TS- Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế tài chính, cần hoàn thiện một cách chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ các cơ chế, chính sách pháp lý có liên quan đến việc mua bán, sở hữu và sử dụng các loại bất động sản khác nhau. Đồng thời, cần tạo ra hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư và các dự án FDI, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, khả năng xây dựng và quản lý các dự án để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, có thực lực thật sự.

Hải Yến

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thi-truong-bat-dong-san-trong-quy-doi-mat-voi-phep-thu-manh-a3277.html