Điều đó đặt các cơ sở gia công vào tình thế khó khăn trong việc cân đối lại quy mô để phù hợp với hoạt động sản xuất tương ứng với nhu cầu. Đây là một thách thức không nhỏ nếu như các nhà máy vẫn muốn giữ nguyên số lượng lao động nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng một khi tình hình dịch bệnh qua đi và nền kinh tế mở cửa trở lại.
Điều chỉnh, cắt giảm hoặc đóng cửa
Dwayne Wood, Tổng Giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Kaiser cho biết những tác động của COVID-19 khi tấn công vào Hoa Kỳ chắc chắn được cảm nhận rõ rệt tại công ty này. “Mặc dù Kaiser không có kế hoạch đình chỉ công việc, nhiều nhà máy đang tạm dừng hoạt động và các công nhân được nghỉ phép”.
Wood cho biết để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, Kaiser đã chọn giải pháp để các công nhân làm các ca so le trong 3 đến 4 ngày tại các nhà máy gỗ K1. Điều này sẽ cho phép công ty giữ được nhiều người ở lại làm việc hơn, mặc dù số giờ làm giảm đáng kể.
Trong khi đó, dòng sản phẩm tủ bếp tại nhà máy K2 không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong sản xuất. Nhưng Wood nhấn mạnh việc sử dụng chất liệu kim loại trong sản phẩm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu đối với các sản phẩm ở nhà máy K1.
Ngoài ra, Kaiser cũng cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 3 ngày/ tuần. Bởi vì ngày 2/4 vừa qua là ngày lễ nghỉ tại Việt Nam nên Công ty đã kéo dài thêm thời gian nghỉ cuối tuần, cũng như thực hiện điều tương tự vào đợt nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới.
Những thay đổi của Kaiser gắn liền với 2 công việc chính mà Công ty đang cố gắng quản lý. Đầu tiên là giải quyết các đơn hàng còn tồn đọng trong thời gian qua, mà theo Wood có tới 40% trong số này đã bị hủy bỏ hoặc đẩy lùi thời gian xử lý ra những ngày sau đó.
“Việc thứ 2 là cố gắng quan sát thị trường và dự đoán xem khi nào công ty có thể mở cửa bình thường và mọi thứ quay trở về vòng tuần hoàn của nó”, Wood cho biết.
Trong khi đó, nhà sản xuất hàng nội thất cao cấp H. Nicholas & Co. cho biết Công ty đã đạt được sự tiết kiệm chi phí bằng cách giảm số lượng các đơn hàng chưa giải quyết. Điều này có được nhờ đáp ứng với sự chậm trễ dự kiến về nhu cầu cho các bộ sưu tập sẽ được sản xuất vào mùa hè và mùa thu.
Chủ tịch của Công ty là Harvey Dondero nói thêm rằng Công ty cũng đã yêu cầu một số nhân viên giảm lương trong vài tháng và cũng đã thực hiện các yêu cầu khắt khe hơn đối với việc mua nguyên liệu và linh kiện.
Nhìn chung, ông lưu ý, sự sụt giảm nhu cầu nói chung đang có tác động rộng lớn hơn đến sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam.
“Rõ ràng sự kìm hãm nhu cầu ở Mỹ và một số quốc gia khác đã khiến các nhà máy sản xuất hoạt động cầm chừng. Tôi biết một số doanh nghiệp đang cân nhắc đóng cửa trong 1 đến 2 tháng nếu như khách hàng của họ không đặt đơn hàng mới. Đây là điều rất xui xẻo, vì đặc thù ngành nội thất là khách hàng có thể trì hoãn việc mua bán của họ”, Dondero cho biết thêm.
Một số Công ty, ví dụ như Starwood Furniture, không hề có kế hoạch tạm đóng cửa vào cuối tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên theo Thomas Luk – chủ tịch công ty, nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc trì hoãn, dẫn đến số giờ làm việc của công nhân cũng giảm xuống.
Mohamad Amini, Chủ tịch của Lacquer Craft, cho biết phần lớn các nhà máy sản xuất tạm ngừng hoạt động trong hai tuần hoặc lâu hơn chủ yếu do các đơn đặt hàng bị trì hoãn hoặc bị hủy bỏ. Với một số Công ty không có kế hoạch đó thì công nhân buộc phải giảm bớt thời gian làm việc. Những người tiếp tục làm việc sẽ phải đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội.
Vẫn có ngoại lệ
Tuy nhiên, không phải Công ty nội thất nào tại Việt Nam cũng nằm trong những hoàn cảnh tương tự.
Nhà sản xuất đồ nội thất cao cấp Jonathan Charles Fine Furniture cho biết những nỗ lực đa dạng hóa của họ đã được đền đáp với một khối lượng công việc ổn định. “Đơn đặt hàng của chúng tôi chủ yếu là những mặt hàng đã được thanh toán và các dự án khách sạn, điều này may mắn thay cho thấy nỗ lực đa dạng sản phẩm của công ty đã được đền đáp”, CEO Jonathan Sowter cho biết.
Sowter tin rằng các nhà máy bị thách thức nhiều nhất phụ thuộc phần lớn vào 100 nhà bán lẻ hàng đầu, vốn đã trì hoãn hoặc thậm chí hủy các lô hàng. “Nhưng dù chúng tôi có hợp tác với 1 trong số top 100 đó, họ vẫn không đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động sản xuất của Công ty. Các nhà bán lẻ, nhà thiết kế và dự án nhỏ là cốt lõi của chúng tôi và chúng đại diện cho hầu hết các đơn đặt hàng đã bán, đang được đưa vào nhà máy tại thời điểm này”.
Jonathan Charles Fine Furniture đã thay đổi kế hoạch tuyển dụng của họ như một cách đảm bảo an toàn cho những công nhân hiện tại đang làm việc. Ngoài ra, các nhà máy vẫn hoạt động theo lịch thông thường với 6 ngày/ tuần và lịch làm thêm vào 3 buổi tối.
“Thị trường lúc này đang thay đổi nhanh chóng, do đó chúng tôi học cách chờ đón những bất ngờ có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhờ vậy, chúng tôi đã có kế hoạch để phản hồi lại những yêu cầu cần thiết của hoàn cảnh”, Sowter nhấn mạnh, đồng thời tiết lộ họ đã học hỏi từ Công ty nội thất Markor, một đối tác kinh doanh tại Trung Quốc cũng chịu nhiều tác động do coronavirus.
Mặc dù sự suy giảm bán lẻ được chứng kiến rõ rệt tại Mỹ, nhà máy tại Việt Nam của Công ty nội thất Stanley vẫn tiếp tục hoạt động. Walter Blocker, chủ sở hữu của công ty cho rằng đây là bước mà họ đã thực hiện để điều chỉnh mô hình kinh doanh ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19.
“Nhìn chung, tình hình hiện tại không dễ chịu gì đối với ngành hàng nội thất. Nhưng Stanley đã có những động thái tốt nhất để thích ứng, đưa chúng tôi vào một vị trí tốt để chiến đấu với sự phức tạp trên thị trường. Nhà máy tại Việt Nam của chúng tôi vẫn mở cửa và nguyên liệu thô vẫn được đưa vào liên tục”, Blocker cho biết.
“Mặc dù nhu cầu năng lực sản xuất đang tạm dừng trong toàn ngành, vẫn có nhu cầu mạnh đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, vì điều đó bù đắp cho những căng thẳng về thuế quan đối với đồ nội thất Trung Quốc”, Blocker bổ sung thêm.
Nhà máy Việt Nam đóng cửa không gây bất ngờ
Các nhà bán buôn ở Mỹ cho biết việc ngừng hoạt động tạm thời của các nhà máy tại Việt Nam không gây bất ngờ. Điều này không chỉ do đóng cửa tạm thời thị trường bán lẻ ở Hoa Kỳ, mà còn bởi thực tế là nhiều nhà sản xuất đã giới hạn hoặc không có không gian kho cho hàng hóa thành phẩm. Khi đơn đặt hàng chậm, nơi duy nhất một số người có thể phải lưu trữ những hàng hóa thành phẩm đó là trên sàn nhà máy, điều mà hầu hết các nhà sản xuất không sẵn sàng lựa chọn.
“Tất cả chúng ta hiện đều ở chung trên một con thuyền, thế nên đó là lý do tại sao có nhiều đơn hàng bị hủy bỏ. Không có nhiều không gian để chứa thành phẩm, bất kể ở nơi nào trên khắp đất nước”, phó giám đốc điều hành Homelgance là Jamie Collins cho biết.
“Các nhà bán lẻ và các nhà phân phối ở cùng một con thuyền. Chúng ta đều ở cùng nhau. Ngoài việc đảm bảo mọi người đều khỏe mạnh và đảm bảo virus này được kiểm soát càng sớm càng tốt, chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh trở lại bình thường hơn, bất kể trông chúng như thế nào”.
“Một tấn đơn đặt hàng đã bị hủy bỏ và trì hoãn, và các nhà máy đã cắt giảm và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”, Fred Henjes, CEO của Công ty Riverside Furniture tại Việt Nam cho biết. Henjes nhấn mạnh rằng nhu cầu tại Mỹ là chìa khóa cho mọi bài toán vào lúc này, dựa vào đó các doanh nghiệp Việt sẽ biết tự điều chỉnh như thế nào.
Bảo Đình
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nganh-noi-that-viet-nam-chiu-tac-dong-khi-my-tam-dong-cua-nen-kinh-te-a3269.html